Quốc gia nào đang giúp Nga tiêu thụ 80% nguyên liệu thô xuất khẩu?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thụy Sĩ hiện giữ vai trò hết sức quan trọng đối với giao dịch nguyên liệu thô của Nga khi Moscow vẫn bán được dầu mỏ và khí đốt thông qua các nhà giao dịch “chuyên môn hóa” ở nước này và thu về nhiều tỷ USD.

Nằm ẩn sau dãy Alps, Thụy Sĩ vốn được thế giới với vai trò là trung tâm ngân hàng lớn. Tuy nhiên, giao dịch hàng hóa - lĩnh vực dường như không nhận được nhiều sự chú ý, mới là ngành kinh doanh quan trọng  tại quốc gia Trung Âu này.

Glencore – một trong những công ty giao dịch hàng hóa lớn tại Thụy Sĩ. Ảnh: DW
Glencore – một trong những công ty giao dịch hàng hóa lớn tại Thụy Sĩ. Ảnh: DW

Điều này tưởng chừng bất hợp lý, khi Thụy Sĩ nằm cách xa các tuyến đường thương mại lớn, không có đường ra biển, không có lãnh thổ ở hải ngoại, không sở hữu trữ lượng tài nguyên thiên nhiên lớn. Nhưng trên thực tế, Thụy Sĩ hiện là một trung tâm giao dịch hàng hóa nguyên liệu thô quan trọng nhất trên thế giới.

“Tại Thụy Sĩ,  ngành giao dịch hàng hóa có đóng góp lớn hơn so với ngành du lịch và chế tạo máy trong tổng GDP của nước này”, Oliver Classen, một chuyên gia thuộc tổ chức phi chính phủ Public Eye, chia sẻ.

Một lượng lớn các giao dịch được thực hiện ở Thụy Sĩ theo hình thức gần như là bí mật. Theo báo cáo được Thụy Sĩ công bố năm 2018, giá trị giao dịch mua bán hàng hóa được thực hiện qua nước này ước tính vào khoảng 1.000 tỷ USD/năm. Đặc biệt, 5 công ty lớn nhất về doanh số tại Thụy Sĩ không phải là các ngân hàng, hãng dược phẩm, mà là các nhà giao dịch hàng hóa. Khoảng 900 công ty thuộc lĩnh vực này đang hoạt động ở Thụy Sĩ, chủ yếu tại Geneva, Zug và Lugano.

Vai trò của Thụy Sĩ đối với giao dịch hàng hóa toàn cầu

Hàng hóa thường được thực hiện trực tiếp giữa các chính phủ và qua các sàn giao dịch. Những công ty ở Thụy Sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm hàng đầu thế giới về buôn bán hàng hóa, đơn giản là bởi họ có đủ nguồn lực tiền mặt để thực hiện giao dịch ngay lập tức. Ví dụ, một tàu chở dầu thô có thể mang lượng dầu trị giá 100 triệu USD/chuyến. Đây là khoản tiền lớn, không phải công ty nào cũng có sẵn. Nhưng ở Thụy Sĩ, không thiếu công cụ tài chính giúp thực hiện những hợp đồng mua bán dạng này.

Tín dụng thư là hình thức thường được sử dụng trong những giao dịch mua bán tại Thụy Sĩ. Một ngân hàng sẽ cấp cho một đại lý khoản vay tạm thời và trở thành người sở hữu lô hàng giao dịch. Khi người mua hàng hoàn tất thanh toán với ngân hàng về lô nguyên liệu thô, chủ sở hữu với nguồn hàng này cũng được thay đổi. Chính vì vậy, các đại lý giao dịch hàng hóa tại Thụy Sĩ có nguồn tín dụng dồi dào.

Sau khi giao dịch thành công, những chuyến hàng nguyên nhiên liệu thô không được chuyển đến Thụy Sĩ, mà sẽ đi thẳng từ nước cung cấp đến nước nhập khẩu. Được gọi với cái tên giao dịch trung chuyển, những thỏa thuận mua bán theo hình thức này bảo đảm rằng dòng tiền sẽ chỉ luân chuyển qua Thụy Sĩ.

Kiểu giao dịch này đôi khi bị chỉ trích, bởi không đảm bảo tính minh bạch. Tuy nhiên, tại Thụy Sĩ, ngân hàng không có nghĩa vụ phải tìm hiểu sâu về khách hàng giao dịch cũng như nguồn tiền của khách hàng đến từ đâu.

Ai là người mua hàng và mua với mức giá ra sao đều không được công bố cụ thể. Gần như không có thông tin đầy đủ về quy mô giao dịch hàng hóa trong dữ liệu của cơ quan thuế quan Thụy Sĩ. Elisabeth Bürgi Bonanomi tại Đại học Bern nói với DW:  “Toàn bộ ngành giao dịch hàng hóa này không được lưu giữ số liệu, thiếu các quy định kiểm soát”.

Kênh giao dịch quan trọng đối với hàng hóa Nga

Riêng về nguyên liệu thô, khoảng 1/3 dầu thô toàn cầu được mua bán thông qua Geneva. Tương tự, khoảng 2/3 giao dịch toàn cầu về kim loại màu chủ chốt như kẽm, đồng, alumini… và 2/3 giao dịch ngũ cốc toàn cầu được giao dịch qua Thụy Sĩ. Nga không phải là khách hàng xa lạ với Geneva. Theo báo cáo của Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Moscow, khoảng 80% nguyên liệu thô xuất khẩu của Nga là qua kênh Thụy Sĩ.

Trong năm 2021, xuất khẩu dầu thô giúp Nga thu về khoảng 180 tỷ  USD. Ảnh: DW
Trong năm 2021, xuất khẩu dầu thô giúp Nga thu về khoảng 180 tỷ  USD. Ảnh: DW

Xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt đem lại 30-40% tổng thu ngân sách cho Nga. Riêng trong năm 2021, xuất khẩu dầu thô giúp Nga thu về khoảng 180 tỷ  USD.

Tuy nhiên, hiện một số chính trị gia Thụy Sĩ gần đây lên tiếng phản đối giao dịch này khi xảy ra cuộc xung đột quân sự tại Ukraine. “Thụy Sĩ cần phải cắt nguồn cung cấp tài chính tài trợ cho cuộc chiến của Nga”, Cedric Wermuth đến từ đảng Dân chủ Xã hội Thụy Sỹ phát biểu trên đài SRF.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp nhiều lệnh trừng phạt đối với Nga nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine, song hiện chưa nhắm vào lĩnh vực trao đổi thương mại với nguyên liệu thô.

Khi nào phương Tây còn chưa áp lệnh cấm vận đối với giao dịch nguyên liệu thô của Nga, các nhà giao dịch hàng hóa ở Thụy Sĩ vẫn tiếp tục thu được lợi nhuận từ việc buôn bán dầu mỏ, khí đốt, kim loại màu từ Nga.

Với vị thế trung lập, luật cấm vận của Thụy Sĩ quy định chính quyền Geneva chỉ có thể tham gia cùng các nước khác triển khai một lệnh trừng phạt sau khi được các đối tác thương mại lớn hoặc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kích hoạt./.