Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc gia NATO đầu tiên phản đối chiến dịch đột kích tỉnh Kursk của Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quan chức cấp cao của Hungary cho biết, nước này phản đối bất kỳ hành động nào làm cản trở tiến trình hòa bình giữa Nga và Ukraine, bao gồm cả cuộc tấn công vào vùng Kursk.

Ông Gergely Gulyas - Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary, Ảnh: Hungarytoday
Ông Gergely Gulyas - Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary, Ảnh: Hungarytoday

Người đứng đầu văn phòng Thủ tướng Hungary mới đây khẳng định, chiến dịch tấn công của lực lượng Ukraine nhằm vào lãnh thổ Nga là “sai”.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Gergely Gulyas - Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary, cho biết, Hungary phản đối bất kỳ hành động nào làm cản trở tiến trình hòa bình giữa Nga và Ukraine, bao gồm cả cuộc tấn công vào vùng Kursk.

“Hungary không chấp nhận nỗ lực xâm nhập của Ukraine vào vùng Kursk của Nga vì chúng tôi ủng hộ hòa bình. Ukraine không chỉ tự vệ, họ còn tấn công vào lãnh thổ Nga. Chúng tôi muốn ngừng bắn và hòa bình” - đài RT hôm 23/8 dẫn lời ông Gulyas.

Theo quan chức Hungary, bất kỳ điều gì làm cản trở Nga và Ukraine tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột đều là “sai”, bao gồm cả việc thực hiện các hành động thù địch tại lãnh thổ Nga.

Ông Gulyas là quan chức cấp cao nhất của Hungary cho đến nay đưa ra bình luận về hành động tấn công vùng Kursk của lực lượng Ukraine.

Hungary đã giữ lập trường trung lập kể từ khi bùng phát cuộc xung đột Nga-Ukraine vào tháng 2/2022. Chính quyền Budapest cung cấp viện trợ nhân đạo cho Kiev, nhưng từ chối gửi vũ khí cũng như huấn luyện cho binh sĩ  Ukraine. Chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban cũng chỉ trích các lệnh trừng phạt của EU, cho rằng chúng gây tổn hại cho khối nhiều hơn là Nga.

Tuyên bố của ông Gulyas trái ngược hoàn toàn với những phát biểu gần đây của giới chức Liên minh châu Âu (EU) và NATO.

Tuần trước, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba, Đại diện cấp cao của EU về Chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell đã “khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn của EU đối với cuộc chiến của Ukraine”.

Hôm 14/8, Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo tuyên bố rằng “Ukraine có quyền tự vệ và rõ ràng là họ có thể thực hiện hành động ở Kursk”.

Cùng ngày, Thủ tướng Estonia Michal nhấn mạnh: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ Ukraine trong các hoạt động của họ, và cá nhân tôi chúc họ may mắn”.

Mỹ đến nay vẫn giữ quan điểm không ủng hộ, nhưng cũng không phản đối khi Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Moscow đã nhiều lần lên tiếng sẵn sàng đối thoại với Kiev trong suốt cuộc xung đột. Hồi tháng 6 năm nay, Moscow tiếp tục đưa ra ý tưởng hòa đàm. Thời điểm đó, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, Nga sẵn sàng hòa đàm ngay lập tức nếu Ukraine rút quân khỏi 4 tỉnh nói trên và cam kết trung lập.

Tuy nhiên, phía Kiev đáp lại đề nghị này của Moscow bằng cách mở một cuộc đột kích vào vùng biên giới Kursk của Nga hôm 6/8 vừa qua. Sau gần 2 tuần đột kích, Ukraine thông báo đã kiểm soát hơn 1.150km2 lãnh thổ Nga và bắt giữ hơn 100 tù binh.

Trong thông báo hôm 23/8, Bộ Quốc phòng Nga cho hay, quân đội nước này tiếp tục ngăn chặn lực lượng Ukraine lấn sâu ở vùng Kursk.

Theo thống kê của Bộ Quốc phòng Nga, kể từ khi đưa quân vào Nga, Ukraine đã mất tổng cộng hơn 4.700 quân nhân, 65 xe tăng, 27 xe chiến đấu bộ binh, 53 xe bọc thép chở quân, 316 xe chiến đấu bọc thép, 133 xe cơ giới, 31 đơn vị pháo binh, 5 hệ thống tên lửa phòng không, 9 hệ thống pháo phóng loạt, 6 trạm tác chiến điện tử.

Một máy bay không người lái kamikaze của Nga  tấn công xe tăng Ukraine ở Khu vực Kursk. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
Một máy bay không người lái kamikaze của Nga  tấn công xe tăng Ukraine ở Khu vực Kursk. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Trong một diễn biến liên quan, ông Florian Philippot, lãnh đạo đảng Les Patriotes của Pháp, ngày 23/8 nói rằng các nước châu Âu cần hành động ngay lập tức để Ukraine chấm dứt các hành động liều lĩnh tại tỉnh biên giới Kursk của Nga “càng sớm càng tốt”.

Nhà chính trị gia Pháp nhấn mạnh rằng Kiev đang sử dụng vũ khí do phương Tây viện trợ để thực hiện các cuộc tấn công xuyên biên giới Nga. "Điều này có thể đẩy các nước đang hỗ trợ quân sự cho Ukraine trở thành bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột hiện tại. Đây là một rủi ro rất lớn" - ông Philippot nhấn mạnh.

Chính trị gia này cũng bày tỏ sự hối tiếc khi "các nước châu Âu đã không thể ngăn chặn các cuộc tấn công của Kiev vào vùng Kursk của Nga ngay từ đầu”.