Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc hội Trung Quốc tập trung tăng trưởng kinh tế bền vững

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm 5/3, kỳ họp thứ 5 Quốc hội Trung Quốc khóa XII đã khai mạc tại Bắc Kinh, trong đó tập trung đánh giá báo cáo, thảo luận và thông qua những kế hoạch phát triển kinh tế, quốc phòng...

 Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Mục tiêu tăng trưởng thấp

Đây là sự kiện chính trị lớn được tổ chức thường niên, nhằm thảo luận và thông qua các quyết sách lớn của Trung Quốc trong năm 2017 cùng nhiều vấn đề quan trọng khác trong Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 13. Trong báo cáo công tác Chính phủ do Thủ tướng Lý Khắc Cường trình bày, Trung Quốc đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 nằm trong khoảng 6,5%, thấp hơn so với mức đưa ra tại kỳ họp vào năm 2016 là nằm trong khoảng 6,5 - 7%. Theo ông Lý Khắc Cường, đây là mục tiêu tăng trưởng thấp nhất đặt ra trong vòng 25 năm trở lại đây, kể từ năm 1992, khi con số này là 6%. Mục tiêu tăng trưởng năm 2017 cũng thấp hơn mức tăng trưởng thực tế 6,7% đã đạt được trong năm 2016.

Báo cáo nêu rõ, một lý do quan trọng để nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì tăng trưởng bền vững là đảm bảo việc làm và cải thiện đời sống Nhân dân. Theo kết quả nghiên cứu của Viện khảo sát Hurun, tài sản của 100 nhà tỷ phú giàu có nhất Trung Quốc đã tăng thêm 64% kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền. Tuy nhiên, kết quả trên lại chênh lệch nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng chung về kinh tế của Trung Quốc, khi mức tăng trưởng chỉ đạt gần 7% trong năm 2016. Trở thành nhân vật quyền thế nhất Bắc Kinh vào năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhanh chóng đề ra ưu tiên hàng đầu về xóa đói giảm nghèo. Song với kết quả trên có thể nhận thấy, vấn đề cải cách kinh tế của nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn chưa đạt được kết quả đáng mong đợi.

Tăng cường chống tham nhũng

Được công nhận là nhà lãnh đạo đầy tham vọng và mạnh mẽ nhất của Trung Quốc kể từ trước tới nay, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhận được nhiều lời khen trong chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi và săn cáo”. Theo thống kê, có tổng cộng khoảng 1,2 triệu đảng viên, quan chức quân sự cấp cao đã bị trừng phạt kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng vào cuối năm 2012.

Trước những kết quả khả quan trên, giới chuyên gia nhận định, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tiếp tục thúc đẩy chương trình chống tham nhũng trong tương lai. Mới đây, nhiều nguồn tin cho rằng, Trung Quốc sắp “đại tu” bộ máy chống tham nhũng. Theo đó, Ủy ban Giám sát quốc gia (NSC) mới thành lập sẽ cộng gộp quyền lực của các cơ quan chống tham nhũng - bao gồm Ủy ban Kiểm tra kỷ luật T.Ư (CCDI), đơn vị chống tham nhũng chủ lực hiện nay. Hồi tháng 1/2017, CCDI công bố kế hoạch hợp nhất với Bộ Giám sát và Cục Chống tham nhũng của Viện Kiểm sát tối cao cùng nhiều cơ quan phòng chống tham nhũng khác để tạo ra một “siêu bộ”.

Hiện, CCDI chỉ có thể điều tra đảng viên bị nghi ngờ tham nhũng, Bộ Giám sát được thẩm vấn công chức, còn Cục Chống tham nhũng của Viện Kiểm sát tối cao lại không được phép giam giữ các nghi phạm đang bị điều tra. Nếu “siêu bộ” mới hình thành, nó sẽ đủ thẩm quyền để giám sát, thẩm vấn và bắt giữ tất cả cán bộ công chức, đảng viên, quân nhân, thẩm phán, công tố viên… bị nghi ngờ nhúng chàm.