Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc Oai nâng tầm bưởi Diễn

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về sản phẩm an toàn, huyện Quốc Oai đã phát triển mô hình bưởi Diễn sản xuất theo hướng VietGAP. Sau 1 năm triển khai, mô hình đã khẳng định hiệu quả vượt trội so với cách canh tác truyền thống.

Ngày 2/12, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT Hà Nội) đã cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn VietGAP, cho 5ha bưởi Diễn sản xuất theo mô hình cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao tại xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai, Hà Nội). Toàn bộ diện tích bưởi Diễn tham gia mô hình thí điểm được cán bộ Trạm Khuyến nông huyện giám sát, tư vấn và hướng dẫn quy trình chăm sóc. Các hộ dân cam kết thực hiện đầy đủ quy trình sản xuất và được hỗ trợ về kỹ thuật, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và túi bọc quả...
Quốc Oai có 5ha bưởi Diễn được cấp chứng nhận VietGAP
Chủ tịch Hội Nông dân xã Sài Sơn Nguyễn Tuấn Văn, đồng thời là một trong 5 hộ tham gia vào mô hình cho biết, toàn xã Sài Sơn hiện có gần 80ha bưởi Diễn. Người dân chủ yếu canh tác theo cách truyền thống, tiêu thụ phụ thuộc vào các thương lái. Vài năm gần đây, việc tiêu thụ bưởi Diễn gặp khó, giá thành giảm do diện tích bưởi ở Hà Nội cũng như các tỉnh thành khác tăng nhanh. Đặc biệt, 2 năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ bưởi Diễn càng khó khăn hơn.
Tuy nhiên, sau khi chuyển sang canh tác bưởi theo hướng VietGap, việc tiêu thụ đã dễ dàng hơn nhiều bởi chất lượng bưởi được nâng cao. Trong khi các hộ dân trồng bưởi truyền thống chưa có thương lái tới thu mua, thì gần 100% sản lượng bưởi tham gia mô hình VietGAP đã được khách hàng vào đặt mua hết. “Sản xuất theo hướng VietGAP vừa giúp tăng năng suất, chất lượng quả bưởi, lại dễ dàng trong việc tiêu thụ, nên nông dân rất phấn khởi” - ông Nguyễn Tuấn Văn chia sẻ.
Đến nay gần 100% sản lượng bưởi trong mô hình VietGAP đã tìm được kênh tiêu thụ
Đánh giá về hiệu quả sau 1 năm triển khai mô hình, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai Kiều Minh Khuê cho hay, cây bưởi tham gia thí điểm mô hình phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho quả đều, vỏ bóng đẹp, chất lượng ngon hơn so với diện tích bưởi Diễn trồng theo phương pháp truyền thống và năng suất quả cao hơn khoảng 20%. Giá bưởi khi bán ra thị trường cao hơn giá bưởi trồng theo phương pháp cũ khoảng 3.000 đồng/quả.
Theo ông Khoa, cái được lớn nhất khi chuyển đổi sang canh tác theo hướng VietGAP là đã hình thành thói quen canh tác khoa học, bài bản cho người dân. Thay vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi như trước, khi tham gia mô hình, người dân được hướng dẫn kỹ thuật khoa học, làm theo quy trình, tạo thói quen ghi chép nhật ký chăm sóc cây trồng. Qua đó, sản phẩm được chứng minh nguồn gốc rõ ràng, nâng tầm giá trị khi đưa ra thị trường.
Năm 2022, Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai sẽ tiếp tục tăng diện tích bưởi Diễn VietGap thêm 5ha tại xã Đồng Quang. Cùng với đó, tăng cường quảng bá, tìm kênh tiêu thụ cho các hộ trồng bưởi theo công nghệ cao…
Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, từ nay tới Tết Nguyên đán, Hà Nội có gần 100 tấn bưởi Diễn cần tiêu thụ. Hiện nay, việc tiêu thụ loại quả đặc sản này của Hà Nội chủ yếu vẫn do nông dân tự xoay sở. Đối với các mô hình bưởi Diễn chất lượng cao, khẳng định được chất lượng qua các năm và có khách quen thì đầu ra khá thuận lợi. Trong khi đó, các vùng bưởi Diễn đang trong quá trình xây dựng thương hiệu, chất lượng không ổn định thì khó khăn về đầu ra.
Theo bà Hòa, thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ quy trình sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn an toàn, phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.