Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc tế đánh giá cao vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ Hàn Quốc đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong ASEAN. Cùng với đó, trang mạng Modern Diplomacy cũng vừa có bài viết về những đóng góp tích cực của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN.

 Từ ngày 01/01/2020, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN.

Đánh giá về vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, ông Jonathan Berkshire Miller - Giám đốc Hội đồng Chính sách Quốc tế và Nghiên cứu thuộc Quỹ châu Á - Thái Bình Dương của Canada nhận xét: “Sự lãnh đạo có nguyên tắc và quyết tâm của Việt Nam đã đạt được tiến bộ trong việc giải quyết các vấn đề hóc búa liên quan đến vấn đề Biển Đông". Theo chuyên gia Miller, có thể nói rằng nước Chủ tịch ASEAN 2020 đã rất khéo léo khi giải quyết vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất trong khu vực.
Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng đánh giá cao vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam và mong muốn Việt Nam đóng vai trò cầu nối trong việc thúc đẩy hợp tác Hàn Quốc - ASEAN.
Sau khi Việt Nam chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Hàn Quốc đã tích cực hỗ trợ Việt Nam hoàn thành trách nhiệm của mình. Trong vai trò điều phối quan hệ giữa Hàn Quốc - Trung Quốc - Nhật Bản và ASEAN trong năm 2020, Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ tích cực Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về hợp tác chống Covid-19 vào tháng 4.
Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 9, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Hwa đánh giá cao vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam bất chấp đối mặt nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây với Thông tấn xã Việt Nam tại Seoul, Tổng Thư ký Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc Lee Hyuk ghi nhận những hiệu quả của Việt Nam trong việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, củng cố sự thống nhất và thúc đẩy hợp tác nội khối trong đấu tranh chống lại đại dịch Covid-19.
Ông Lee Hyuk nhận định, trong 1/4 thế kỷ qua, Việt Nam không chỉ trở thành một phần không thể tách rời của ASEAN mà còn là một trong những động lực tăng trưởng mạnh mẽ của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, góp phần vào sự thịnh vượng của khu vực.
Ngay cả trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN đã phải đối mặt với nhiều thách thức như kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc và tần suất thiên tai ngày càng tăng do biến đổi khí hậu...
Khi Covid-19 bùng phát, Việt Nam còn phải đối mặt với khó khăn lớn hơn trong vai trò Chủ tịch ASEAN. Tuy nhiên, với sự “gắn kết và thích ứng” - không chỉ rất kịp thời mà còn phù hợp với tình hình đại dịch hiện nay - Việt Nam đã thể hiện vai trò lãnh đạo xuất sắc, không chỉ trong việc ngăn chặn thành công sự lây lan của dịch bệnh trong nước mà còn trong việc đoàn kết các thành viên ASEAN cùng hành động.
Trang mạng Modern Diplomacy ngày 10/11 đăng bài viết đánh giá tổng quan sự thể hiện của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và ý nghĩa của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 với khu vực trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay.
Tổng Thư ký Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc Lee Hyuk ghi nhận những hiệu quả của Việt Nam trong việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN.
Theo bài viết, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN khi tổ chức này đang phải đối mặt với những thách thức liên quan đến hòa bình và an ninh, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và cả nhu cầu vạch ra tương lai để phát triển khu vực như một cộng đồng ASEAN.
Trong 11 tháng qua, ASEAN đã làm việc tích cực nhằm phát triển mối quan hệ tốt đẹp hơn với các đối tác đối thoại, bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như phối hợp các cuộc họp giữa ASEAN và Nhật Bản, hầu hết đều ở hình thức trực tuyến.
Đáng chú ý, chương trình nghị sự của ASEAN trong năm 2020 được đề ra dưới sự chủ trì của Việt Nam và có những thách thức liên quan đến việc giải quyết các vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế, cũng như xây dựng các giao thức chung trong các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và chia sẻ thông tin liên quan đến các biện pháp đối phó với dịch Covid-19.
Bài viết cho rằng Việt Nam đã thực hiện hiệu quả việc đánh giá toàn diện các cơ chế của khối, đồng thời xem xét các tài liệu liên quan đến kế hoạch chi tiết của Cộng đồng ASEAN.
Khía cạnh quan trọng nhất được Việt Nam nhấn mạnh là phát triển nỗ lực tập thể chống lại đại dịch Covid-19 và thành lập các nhóm phối hợp để ứng phó với các tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. ASEAN đã nhìn nhận các thách thức hậu Covid-19, từ đó cân nhắc thực hiện khuôn khổ phục hồi toàn diện cũng như một kế hoạch thực hiện có thời hạn.
Một trong những cuộc họp sớm nhất mà Việt Nam tiến hành là trong khuôn khổ Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) tổ chức tại Lào, ghi nhận mức độ nghiêm trọng của tình hình Covid-19, đồng thời nêu rõ đoàn kết và thống nhất trong ASEAN là cần thiết để ngăn chặn và đưa ra các biện pháp ứng phó với đại dịch. Việt Nam cũng nhận thức được mức độ nghiêm trọng của đại dịch và tầm quan trọng của việc tạo đồng sự thuận trong các vấn đề này.
Bài viết nhấn mạnh dù phải tiến hành các hội nghị dưới hình thức trực tuyến, Việt Nam vẫn có thể thông qua hơn 40 văn kiện trong cuộc họp ngoại trưởng ASEAN tháng 9 vừa qua. Việt Nam cũng tổ chức nhiều hoạt động cho Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Một trong những điểm nổi bật là thảo luận vấn đề Biển Đông trong các cuộc họp cấp bộ trưởng./.