Chất lượng đồ án chưa cao
Theo TS Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế, những quy hoạch phát triển đô thị tại Việt Nam đang đi ngược với xu thế của thế giới. Đó là những người giàu thường có phương tiện giao thông cá nhân là ô tô thì lại tập trung ở các trung tâm đô thị, khiến cho giá đất tăng cao, tạo ra nhiều sức ép cho hệ thống hạ tầng đô thị...
Trong khi đó, những người nghèo, không có ô tô phải dạt ra các vùng ngoại ô, xa trung tâm, việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng gặp nhiều khó khăn do hạ tầng chưa đồng bộ. "Tại khu vực trung tâm xảy ra vấn nạn tắc đường, ô nhiễm môi trường, quá tải về hạ tầng... Những hạn chế của công tác quy hoạch trong thời gian qua sẽ để lại hệ quả xấu cho tương lai. Theo dự báo trong khoảng 10 năm nữa tình trạng tắc đường tại các đô thị, đặc biệt là đô thị lớn sẽ diễn ra theo chiều hướng phức tạp, căng thẳng hơn” – ông Nghĩa nhận định.
Những quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch xây dựng được ban hành sẽ giúp nâng cao chất lượng quy hoạch và đảm bảo tính khả thi của các đồ án quy hoạch khi đưa ra thực tế. Để những quy chuẩn này được thực hiện một cách hiệu quả, các cơ quan chuyên môn cần phải tăng cường công tác kiểm tra và có chế tài xử lý mạnh tay đối với những hành vi vi phạm, tránh lặp lại “vết xe đổ” như trước đây.
Chuyên gia về quy hoạch đô thị Trần Tuấn Anh
Còn nhớ, tại phiên trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 6/2019, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế của công tác quy hoạch phát triển đô thị trong thời gian vừa qua. Đó là nhiều đồ án quy hoạch bộc lộ hạn chế, chủ yếu là chất lượng quy hoạch thấp, một số quy hoạch đã dự báo chưa đúng tốc độ, tình hình phát triển, khả năng tăng trưởng dân số. Từ đó dẫn đến những tính toán sai về cấu trúc, không gian tổ chức đô thị cũng như chỉ tiêu về hạ tầng và các chỉ tiêu khác. Điều này dẫn tới những dự án đầu tư thiếu căn cứ quy hoạch.
“Chất lượng quy hoạch còn thấp là do hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức đơn giá về kinh tế kỹ thuật có những lạc hậu nên những tính toán về quy hoạch xảy ra sai sót. Khâu tổ chức thực hiện quy hoạch chậm hoặc xây dựng kế hoạch thực hiện các quy hoạch còn sơ sài...” - Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhận định.
Giới hạn mật độ khối tích cao tầng
Nhằm khắc phục những hạn chế về công tác quy hoạch xây dựng trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BXD về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, KTS Trần Huy Hoàng - Văn phòng kiến trúc Trần Hoàng cho biết, một trong những nội dung của Thông tư được các KTS, KS đang hành nghề trong lĩnh vực này đặc biệt quan tâm là việc đề xuất kiểm soát hệ số sử dụng đất tối đa, nhằm giới hạn các khối tích không gian công trình cao tầng trong đô thị.
"Việc phát triển các khối tích cao tầng cho phép đất đai đô thị được sử dụng một cách hiệu quả, giảm việc mở rộng đô thị ảnh hưởng đến quỹ đất nông nghiệp và vùng cảnh quan sinh thái tự nhiên, đồng thời giúp sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên. Song thực tế, trong thời gian qua, phát triển các khối tích cao tầng đã trở thành vấn đề đáng quan ngại đối với các đô thị của Việt Nam. Mật độ các khối tích cao tầng dày đặc đã tạo ra sức ép đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại đô thị, kéo theo đó là tình trạng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, chất lượng sống bị suy giảm” - ông Hoàng phân tích.
Cũng theo KTS Trần Huy Hoàng, Thông tư số 22 đã đưa ra được những thông số về quy chuẩn kỹ thuật đối với việc xây dựng các công trình hạ tầng kỹ, hạ tầng xã hội, không gian công cộng – dịch vụ kết hợp với cảnh quan – môi trường đô thị. Cùng với đó là những quy định về quản lý mật độ dân cư với hình thái phát triển đô thị, để đảm bảo quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. "Bộ tiêu chuẩn này sẽ mang lại tầm nhìn mới cho công tác quy hoạch xây dựng và quản lý không gian đô thị, trong quá trình đô thị hóa nhanh như hiện nay. Đặc biệt, với những quy chuẩn được quy định rõ ràng, sẽ giúp loại bỏ những đồ án quy hoạch có tính manh mún, thiếu hiệu quả thực tế" - KTS Trần Huy Hoàng nhìn nhận.