Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy định miễn tiền sử dụng đất cho người có công

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ tháng 2/2022 nhiều chính sách mới liên quan đến đất đai, xây dựng chính thức có hiệu lực, như: miễn tiền sử dụng đất cho người có công, giám định tư pháp trong xây dựng...

Miễn tiền sử dụng đất cho người có công

Nghị định 131/2021/NĐ-CP, hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2022 quy định chi tiết biện pháp thi hành pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó quy định miễn tiền sử dụng đất cho người có công.

Cụ thể, miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi Nhà nước giao đất, chuyển mục đích sử dụng, công nhận quyền sử dụng khi được mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước đối với các đối tượng: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B công nhận trước ngày 31/12/1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên; Thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng.

Miễn tiền sử dụng đất khi mua nhà ở (loại nhà nhiều tầng nhiều hộ ở) đang thuê thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định số 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ đối với người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Nhiều nội dung quan trọng về nhà đất, xây dựng sẽ có hiệu lực thi hành từ tháng 2/2022.
Nhiều nội dung quan trọng về nhà đất, xây dựng sẽ có hiệu lực thi hành từ tháng 2/2022.

Giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng

Thông tư 17/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định một số nội dung về hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng thay thế Thông tư 04/2014/TT-BXD, có hiệu lực từ ngày 5/2/2022.

Quy định mới về giám định tư pháp xây dựng gồm 3 nội dung chính: Giám định tư pháp về sự tuân thủ các quy định của pháp luật quy hoạch xây dựng, hoạt động đầu tư xây dựng, nhà ở và kinh doanh BĐS.

Giám định tư pháp về chất lượng xây dựng, bao gồm: Giám định chất lượng khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, vật liệu xây dựng, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị công trình, bộ phận công trình, công trình xây dựng; Giám định nguyên nhân sự cố công trình xây dựng, nguyên nhân hư hỏng công trình xây dựng; Giám định tư pháp về chi phí xây dựng công trình, bao gồm: giám định về tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình, giá gói thầu xây dựng, thanh quyết toán hợp đồng xây dựng, thanh quyết toán vốn đầu tư xây dựng, các vấn đề khác có liên quan; giám định tư pháp về giá trị nhà ở và BĐS.

Hoàn thiện chính sách về BĐS, nhà ở

Từ tháng 2/2022, Chính phủ giao Bộ Xây dựng tiếp tục chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầu đủ ý kiến đóng góp để hoàn thiện chính sách về kinh doanh BĐS, nhà ở. Theo đó, Chính phủ thống nhất xây dựng Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi).

Đối với Luật Kinh doanh BĐS, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết và mục tiêu sửa đổi Luật Kinh doanh BĐS để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển thị trường BĐS theo cơ chế thị trường. Cùng với đó, hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh BĐS nhằm giải quyết bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Kinh doanh BĐS với các luật khác liên quan.

Về Luật Nhà ở, Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì nghiên cứu hoàn thiện chính sách pháp luật theo hướng rà soát vấn đề vướng mắc, bất cập trong thực tiễn để hoàn thiện chính sách về nhà ở, nhất là chính sách về: Quy hoạch, chiến lược, chương trình phát triển nhà ở bảo đảm tính dự báo quá trình phát triển. Hoàn thiện chính sách về nhà ở còn tồn tại, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở với Luật Đất đai và các luật khác liên quan.

Bên cạnh đó, nghiên cứu để sửa đổi Luật Nhà ở theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, giám sát, kiểm tra, phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực đáp ứng việc phân cấp, cắt giảm thủ tục hành chính. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế ưu đãi, thu hút đầu tư nguồn lực cho phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở công nhân tại khu công nghiệp, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị bảo đảm chính sách an sinh xã hội về nhà ở.