70 năm giải phóng Thủ đô

Quy định về mức tiêu thụ nhiên liệu của xe cơ giới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sự khan hiếm, cạn kiệt nguồn nhiên liệu dầu mỏ và sự phát thải khí nhà kính, gây biến đổi khí hậu là thách thức ngày càng to lớn đối với nhân loại. Một trong những nguyên nhân chính là hoạt động của các phương tiện vận tải.

Theo ước tính của Tổ chức năng lượng thế giới, năm 2008, hoạt động vận tải tiêu tốn gần 60% nguồn cung cấp dầu mỏ toàn cầu, trong đó vận tải đường bộ chiếm 80% và phát thải 25% lượng phát thải khí nhà kính của thế giới. Dự kiến số lượng xe cơ giới sẽ tăng lên gấp ba lần vào năm 2050 và 80% số lượng tăng lên là ở các nước đang phát triển.

Bên cạnh việc bảo tồn nguồn năng lượng dầu mỏ, tiết kiệm nhiên liệu được xem là biện pháp chính để giảm phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính nên hai mục đích này thường song hành với nhau. Nhiều nỗ lực đang được tập trung để cắt giảm tiêu thụ nhiên liệu và giảm phát thải khí nhà kính.

 
Quy định về mức tiêu thụ nhiên liệu của xe cơ giới - Ảnh 1
Ảnh minh họa. (Nguồn: giaothongvantai)

Năm 2009, tổ chức Sáng kiến tiết kiệm nhiên liệu toàn cầu (GFEI) được thành lập đã đặt mục tiêu cắt giảm 50% tiêu thụ nhiên liệu (l/km) vào năm 2050. Hy vọng qua đó tiết kiệm được 6 tỷ thùng dầu mỗi năm, tương đương 600 tỷ USD/năm và cắt giảm 2 Gt CO2/năm đến năm 2050.

Các nước cũng đều có chương trình tiết kiệm nhiên liệu xe cơ giới bằng nhiều biện pháp khác nhau như đánh thuế xe, dán nhãn năng lượng, khuyến khích lái xe sinh thái, kiểm định và bảo dưỡng phương tiện... nhưng cơ bản nhất vẫn là ban hành và thực thi tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu. Các nước lớn và phát triển trên thế giới đều có tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu như EU, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ. Ở Đông Nam Á, Thái Lan cũng đã dự thảo tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu.

Ở Việt Nam, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ hay còn gọi là xe cơ giới chủ yếu gồm ôtô và xe môtô, xe gắn máy là đối tượng tiêu thụ chính nguồn nhiên liệu hóa thạch. Hiện nay, hàng năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 13 triệu tấn xăng/dầu. Với số lượng ôtô đang lưu hành khoảng 1,3 triệu chiếc và 35 triệu xe môtô, xe gắn máy đã đăng ký sử dụng, sơ bộ có thể thấy xăng/dầu chủ yếu được dùng cho xe cơ giới. Trong đó, môtô và xe máy tiêu thụ đến 70% xăng dùng cho xe cơ giới.

Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, số lượng xe cơ giới tiếp tục tăng lên nhanh chóng khoảng 10-15%/năm trong những năm tới nên ngày càng tiêu thụ nhiều hơn nữa nhiên liệu dầu mỏ.

Việt Nam đã có quy định và thực hiện kiểm soát ô nhiễm do hoạt động của các phương tiện giao thông vận tải, theo đó áp dụng mức tiêu thụ khí thải Euro2 đối với các loại xe cơ giới và có lộ trình áp dụng mức Euro3 đối với xe môtô và mức Euro4 đối với ôtô vào năm 2017, mức Euro5 đối với ôtô vào năm 2020. Nhưng Việt Nam chưa có tiêu chuẩn và lộ trình áp dụng tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu.

Thực hiện điểm b, khoản 1 Điều 21 Lụât Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả "Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan xây dựng và ban hành theo thẩm quyền quy chuẩn kỹ thuật, định mức tiêu thụ năng lượng đối với phương tiện vận tải,” Cục Đăng kiểm Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải là cơ quan được giao nghiên cứu, thử nghiệm và xây dựng dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức tiêu thụ nhiên liệu của xe môtô, xe gắn máy và xe ôtô hạng nhẹ sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.

Dự kiến các quy định này được Bộ Giao thông vận tải ban hành trong năm tới sẽ là biện pháp hiệu quả để giảm mức tiêu thụ nhiên liệu cho xe cơ giới, giảm phát thải khí nhà kính vì một giao thông vận tải bền vững với môi trường.