Quy hoạch điểm dân cư: “Vùng trũng” trong phát triển đô thị

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Điểm dân cư đô thị là đơn vị quy hoạch nhỏ nhất trong cấu trúc đô thị, quyết định trực tiếp đến chất lượng sống của cư dân với vai trò cung cấp nơi ở, các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật - xã hội, tiện ích đô thị…

Tại các quận ven đô của Hà Nội hiện tồn tại nhiều điểm dân cư do thiếu "bàn tay" quy hoạch nên không đáp ứng được yêu cầu cuộc sống đô thị văn minh.

Hạ tầng quá tải, xuống cấp

Tại những quận ven đô như Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai… hiện có tốc độ đô thị hóa và phát triển đầu tư xây dựng rất nhanh. Nhiều khu đô thị hiện đại hình thành tạo các điểm dân cư văn minh với đầy đủ hạ tầng, tiện nghi. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều điểm dân cư đô thị đa phần có nguồn gốc từ làng, xã nông nghiệp cũ.

Qua quá trình phát triển mở rộng đô thị, mở rộng hành chính TP, các huyện trở thành quận, khu vực làng xã này được tích hợp vào cấu trúc đô thị. Do được tích hợp một cách tự nhiên, không được quy hoạch trước nên phần lớn các khu dân cư này không thể đáp ứng được quá trình gia tăng mật độ xây dựng. Hệ thống đường, ngõ và hạ tầng thoát nước không đáp ứng được nhu cầu, điều kiện vệ sinh môi trường ở xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được các yêu cầu cuộc sống đô thị văn minh, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của người dân.

Các quận ven đô Hà Nội có nhiều điểm dân cư đô thị vẫn còn dấu tích của làng, xã nông nghiệp 
Các quận ven đô Hà Nội có nhiều điểm dân cư đô thị vẫn còn dấu tích của làng, xã nông nghiệp 

Búc xúc - là tâm trạng chung của rất nhiều hộ dân tại các khu dân cư số 7, số 8 phường Tân Mai, quận Hoàng Mai khi nói về tình trạng úng ngập trên địa bàn. Bởi, sau mỗi trận mưa, hầu hết nhà dân khu vực này đều bị nước tràn vào.

Bà Nguyễn Lệ Thanh - Bí thư chi bộ khu dân cư số 7 chia sẻ, tình trạng cứ mưa là ngập diễn ra từ rất nhiều năm, có tháng mưa ngập vào nhà đến 4 lần, rác thải tràn vào nhà, giao thông gần như tê liệt đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Nguyên nhân do đây là khu vực trũng, sau khi cống hóa mương thoát nước trên địa bàn lại không đồng bộ, khớp nối hạ tầng thoát nước, ngõ xóm xung quanh.

Còn ông Ngô Công Đồi (72 tuổi, Mễ Trì Thượng, quận Nam Từ Liêm) cho hay, tổ dân phố nơi ông ở có 300 hộ dân thì có khoảng 100 hộ là người nhập cư từ nơi khác về. Đó là chưa kể một lượng lớn sinh viên, lao động ngoại tỉnh đến ở trọ. Cứ 100 nhà thì 98 nhà cho thuê phòng trọ. Diện tích các con ngõ vốn đã nhỏ nay lại càng bị thu hẹp hơn, xe máy, ô tô xuôi ngược cả ngày. Mật độ dân cư quá tải nên không gian sống càng trở nên chật chội, ngột ngạt.

Không chỉ bức xúc với hạ tầng xuống cấp, quá tải, nhiều người dân sống tại những khu dân cư cũ luôn có cảm giác bất an khi hệ thống giao thông nội bộ nhỏ hẹp, nhà ở chia lô dạng ống, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh dịch vụ, kho tàng, xen kẽ là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến nguy cơ cháy, nổ và tiềm ẩn những thảm họa do cháy, nổ gây ra.

Tại quận Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… thời gian gần đây nhiều vụ cháy để lại hậu quả nặng nề đều xảy ra tại những khu vực nằm sâu trong ngõ, mật độ dân cư cao, không có đường cho xe cứu hoả tiếp cận.

Trưởng phòng Đô thị quận Nam Từ Liêm - KTS Hoàng Minh Hải cho biết, qua quá trình chuyển đổi hành chính, là một địa phương vốn còn làng, xã nông nghiệp, mà chỉ sau một đêm đã thành phố, thành phường của một đô thị. Các điểm dân cư nông thôn đã trở thành điểm dân cư đô thị mà không có sự quy hoạch, chuẩn bị từ trước về điều kiện hạ tầng, dẫn đến tình trạng quá tải rất khó giải quyết như thừa nhà ở, thiếu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảm, chất lượng môi trường ở còn hạn chế, thiếu kết nối với hệ thống hạ tầng hạ tầng TP, hạ tầng công cộng.

“Đây là thực trạng không chỉ riêng ở quận Nam Từ Liêm mà nó là bài toán đô thị hóc búa nhất mà trong nhiều năm qua TP chưa tìm được giải pháp nào hữu hiệu” - KTS Hoàng Minh Hải cho hay.

Lời giải từ quy hoạch

Theo nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị, vấn đề tồn tại lớn nhất hiện chưa giải quyết được tại các khu vực làng xóm cũ là việc nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông. Do hệ thống cấu trúc đường làng xóm cũ rất chật hẹp, mật độ xây dựng hai bên đường cao nên rất khó nâng cấp mở rộng, việc tiếp cận đối với xe cơ giới trong các trường hợp khẩn cấp không đảm bảo, dẫn đến nguy cơ mất an toàn, đặc biệt là an toàn cháy nổ.

Cùng đó, việc san lấp các hồ ao, kênh mương, không gian xanh… để lấy đất xây dựng khiến cho điều kiện vệ sinh môi trường xuống cấp. Tình trạng xây dựng các dự án khu đô thị mới với cos nền cao hơn khu vực làng xóm cũ xung quanh dẫn đến nguy cơ ngập úng cục bộ cho những khu vực này.

Để cải thiện những tồn tại đối với các điểm dân cư hiện hữu có nguồn gốc phát triển từ làng xã nông nghiệp, tạo dựng môi trường sống chất lượng cho người dân, nhiều chuyên gia đô thị cho rằng cần khẩn trương lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết điểm dân cư để quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình, chia tách thửa…

Từ giải pháp quy hoạch, theo KTS Hoàng Minh Hải, cần bố trí quy hoạch được nhiều “lõi xanh” là các không gian công cộng như quảng trường, công viên nhỏ, vườn hoa tại khu dân cư từ những khu vực chưa xây dựng như ao, hồ, đất do cộng đồng làng xã cũ quản lý.

Những khu vực xanh này có thể kết hợp với các công trình tôn giáo như đình, chùa, nhà thờ, nhà văn hóa tổ dân phố hoặc trung tâm thương mại, siêu thị nhỏ bằng hệ thống đường làng ngõ xóm nhỏ lát đá sẽ cải thiện đáng kể không gian kiến trúc cảnh quan, môi trường sống dân cư đô thị. Việc sinh hoạt của người dân sẽ theo hình thức hướng nội, phần nào sẽ giảm thiểu các áp lực về giao thông, hạ tầng xã hội trong khu vực. Bên cạnh vai trò là các không gian sinh hoạt cộng đồng, đây còn là những không gian thoát người khi xảy ra sự cố không mong muốn như hỏa hoạn, động đất…

Về quy hoạch hạ tầng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn - TS.KTS Lê Thị Bích Thuận cho rằng cần quan tâm đặc biệt đến mạng lưới giao thông. Cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, quy hoạch đấu nối các trục đường, ngõ chính của khu ở với hệ thống đường đô thị, bố trí bãi đỗ xe tại các khu vực. Quy hoạch những đường, điểm cho xe cứu hỏa, xe taxi tiếp cận các khu dân cư mật độ cao, bố trí điểm trông giữ xe giáp các trục đường giao thông chính và những tuyến đường lớn xuyên tâm ở điểm dân cư đô thị, giao thông khu vực chủ yếu dành cho xe cơ giới nhỏ hoặc bố trí một số khu vực chỉ dành cho người đi bộ.

Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội) Đào Minh Tâm lưu ý, cần ưu tiên bố trí quỹ đất làm điểm thu gom, trung chuyển rác thải trong các khu dân cư. Ứng dụng công nghệ và dây chuyền thu gom, xử lý nước thải theo hướng áp dụng khoa học công nghệ xử lý cục bộ cho từng khu vực… Đặc biệt, có giải pháp quản lý chặt chẽ cao độ nền xây dựng trên toàn địa bàn, tránh việc xây dựng cos nền quá cao tại các vị trí cục bộ (các khu đô thị mới, công trình xây dựng mới), làm ảnh hưởng đến khả năng thoát nước trên toàn địa bàn, đặc biệt tại khu làng xóm cũ.

 

Tại các quận và phường mới thành lập, nơi còn nhiều khu dân cư có nguồn gốc từ làng xã và không gian nông nghiệp xen kẹp cần được quản lý như đô thị, nhưng đồng thời phải giải quyết thoả đáng những yếu tố nông thôn để tránh làm mất đi giá trị di sản, bản sắc kiến trúc cảnh quan hiện có, kế thừa và phát huy giá trị bản sắc đó tiếp tục hiện diện trong quá trình phát triển đô thị sau này. 

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn, TS.KTS Lê Thị Bích Thuận