Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch không gian sáng tạo tại Hà Nội: Tăng liên kết để phát huy hiệu quả

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê, Hà Nội có khoảng 190 không gian sáng tạo (KGST), nhiều nhất cả nước. Đa số các KGST này do cá nhân lập ra, hoạt động đơn lẻ và thiếu bền vững. Vì vậy, việc quy hoạch, xây dựng một quần thể mạng lưới KGST kết nối với nhau, hỗ trợ nhau phát triển lâu dài có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Trải nghiệm nghệ thuật sắp đặt tại Heritage Space Hà Nội. Ảnh: Dolphin Plaza
Nhỏ lẻ, thiếu liên kết
Nói đến KGST tại Hà Nội, có rất nhiều cái tên từng được nhiều người biết đến như Zone 9, Hanoi Creative, Heritage Space, Manzi, The Vuon, Cà phê thứ Bảy, VICAS Art, Ơ kìa Hà Nội… được thành lập từ các sáng kiến cá nhân, tâm huyết của những nhóm nhỏ. Qua thời gian, cách thức hoạt động của các không gian này đã bộc lộ những bất cập. Đó là thiếu tính liên kết giữa các KGST và cơ chế vận hành vẫn trông chờ vào sự trợ giúp. Đây là nguyên nhân khiến không ít không gian đã biến mất hoặc thu hẹp sau một thời gian hoạt động.

Có thể thấy như Zone 9 đóng cửa vĩnh viễn chỉ sau một năm hoạt động. Hanoi Creative City nay đã không còn tổ chức sự kiện và cũng không thực hiện hỗ trợ địa điểm miễn phí cho một số KGST nhỏ hơn. Hay như Heritage Space, ra đời từ năm 2014, tọa lạc trên diện tích gần 1.000m2 trong lòng tòa nhà Dolphin Plaza. Nhưng sau 6 năm hoạt động, giờ đây Heritage Space thu hẹp không gian hoạt động, với một diện tích nhỏ hơn, chỉ khoảng 70m2 tại Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển nghệ thuật đương đại - Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam. Theo nhà báo, nhà nghiên cứu KGST độc lập Trương Uyên Ly, nhiều KGST chưa có vị trí thích hợp, vẫn phải trả thuế, thị trường tiêu thụ văn hóa còn ít nên tuổi thọ ngắn, trung bình chỉ tồn tại được từ 3 - 5 năm.

Bên cạnh những không gian do cá nhân, DN tự mở ra, Hà Nội còn có các KGST công được quản lý, vận hành bởi cơ quan Nhà nước hoặc hoạt động bởi ngân sách Nhà nước, nguồn lực công. Đó là hệ thống các bảo tàng, viện, trung tâm chuyên về văn hóa, nghệ thuật; các hội nghề nghiệp văn học, nghệ thuật; trường đại học, trường chuyên trong lĩnh vực; nhà hát, khu triển lãm và cơ sở dành cho hoạt động biểu diễn. Những không gian này, theo đánh giá của Giám đốc Nghệ thuật Heritage Space Nguyễn Anh Tuấn, đang được vận hành chưa thực sự hiệu quả. Cụ thể, chưa được khai thác tối ưu, cách vận hành tụt hậu, chưa thực sự kết nối với hoạt động sáng tạo cộng đồng, thiếu cách thức hỗ trợ và hợp tác với cộng đồng sáng tạo độc lập.

Ngoài ra, Hà Nội còn hệ thống không gian công cộng, là những không gian mở mà mọi người đều có thể tiếp cận, như hệ thống các công viên, vườn hoa, quảng trường, phố đi bộ cuối tuần, đã và đang được sử dụng cho nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật lớn. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, trước áp lực về đô thị hóa, gia tăng dân số, Hà Nội còn nhiều việc phải làm để những không gian này là nơi lan tỏa thông điệp về sáng tạo của người dân, nghệ sĩ Thủ đô.

Quy hoạch phải đi đầu

Nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần phải có quy hoạch bài bản KGST. Có như vậy, các KGST mới phát huy được vai trò quan trọng trong việc phát triển đô thị, tạo ra bản sắc cho đô thị. TS Đỗ Thị Liên Vân - Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng, Hà Nội cần khẩn trương thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm khai thác các lợi thế so sánh của TP trong xây dựng TP sáng tạo. Cụ thể, quy hoạch xây dựng một số khu vực, địa điểm có thế mạnh phát triển công nghiệp văn hóa thành những cụm công nghiệp văn hóa được đầu tư để dành riêng cho phát triển nghệ thuật, truyền thông, thủ công truyền thống… Việc có quy hoạch và chính sách đầu tư ưu đãi đặc biệt cho những cụm công nghiệp văn hóa này, sẽ tạo nên thuận lợi lớn về khâu cung cấp nguồn nhân lực, tổ chức tiêu thụ sản phẩm hay giúp các ngành công nghiệp văn hóa tương tác với nhau để cùng phát triển.

Cùng với đó, thiết kế và xây dựng một quần thể mạng lưới KGST Hà Nội, xây dựng một khu chuyên dụng dành cho việc thiết kế, thủ công và nghệ thuật, nằm liền kề sông Hồng, có thể đặt dưới sự điều hành của Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội. Khu vực này có thể bao gồm các nhà triển lãm, khu vực làm việc cho những người thực hành sáng tạo ở nhiều bộ môn khác nhau có liên quan đến thiết kế sáng tạo, cũng như các không gian tổ chức sự kiện lớn về thiết kế sáng tạo. Kết nối với khu phố cổ bằng một con đường giống như một nhánh sông, khu vực thiết kế sáng tạo này sẽ được thiết lập theo phương thức linh hoạt và bền vững, với các mô hình có giá cả phù hợp. Khu sáng tạo cũng sẽ cung cấp một điểm đến cho du khách quốc tế và người dân địa phương, có thể khám phá sự khéo léo của các nghệ nhân, nhà thiết kế, nghệ sĩ của Hà Nội. Đồng thời thúc đẩy sự tương tác giữa các cộng đồng sáng tạo ở Việt Nam và những nơi khác.

KTS Tạ Thu Hương - Tổ chức Nghệ thuật kiến tạo cộng đồng (ABC) cho rằng, để giới sáng tác, đặc biệt là các bạn trẻ có thể đóng góp công sức nhiều hơn, Hà Nội cần quy hoạch các không gian công cộng, tăng tính kết nối cho các không gian này. Đồng thời, ban hành các quy định, quy chế, hướng dẫn và cho phép các cá nhân, tổ chức có thể tham gia nhiều hơn vào công tác cải tạo, phát triển không gian công cộng. Ở góc độ thực tiễn, Giám đốc Nghệ thuật Heritage Space Nguyễn Anh Tuấn nêu, TP có thể khai thác và chuyển hóa các không gian công trong đô thị. Đó là sau khi di dời, các nhà máy công nghiệp giữ lại một số phần kết cấu hạ tầng, quy hoạch và tổ chức lại không gian, khuôn viên xây dựng, sau đó biến thành một khu văn hóa - giải trí - sáng tạo liên hợp. Đây sẽ trở thành một địa chỉ văn hóa mới của đô thị, đem lại nguồn lợi nhiều mặt như kinh tế, khởi nghiệp sáng tạo, quảng bá hình ảnh, du lịch, đáp ứng nhu cầu giải trí sinh hoạt cộng đồng… Thực tế, Hà Nội đã từng có mô hình Zone 9 hoạt động trên nền đất của Công ty Dược phẩm T.Ư 2.
KGST là những địa điểm cần thiết, quan trọng, kết nối những người làm việc trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo và thể nghiệm ý tưởng mới nên các địa điểm này cần phải được xem là các DN phi lợi nhuận (NGO) để được hưởng ưu đãi dành cho đối tượng đặc biệt, thay vì bị đối xử như ngành nghề dịch vụ thông thường khác. Được như vậy, các KGST tác động lan tỏa đến những DN khởi nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở Thủ đô.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam