Quyền được nghỉ đúng quy định

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc tùy tiện cho học sinh nghỉ học rồi học bù không theo đúng quy định của ngành giáo dục và ngày nghỉ của Chính phủ đã lặp đi lặp lại vài lần, tạo nên những phản ứng bất bình của phụ huynh cũng như dư luận.

Ngay dịp nghỉ lễ vừa qua, một số phụ huynh có con theo học tại Trường THPT Nguyễn Sinh Cung (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) phản ánh phụ huynh bất ngờ khi buổi học ngày thứ Sáu (28/4), con của họ được nghỉ học.

Trường THPT Nguyễn Sinh Cung (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho học sinh nghỉ trước quy định để thầy cô đi tắm biển. Ảnh FBNT
Trường THPT Nguyễn Sinh Cung (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho học sinh nghỉ trước quy định để thầy cô đi tắm biển. Ảnh FBNT

Một số phụ huynh thắc mắc, liên lạc với giáo viên chủ nhiệm thì được biết, nhà trường cho học sinh các khối nghỉ để giáo viên... đi biển. Trường sẽ tổ chức dạy bù cho học sinh vào ngày thứ Ba (ngày 2/5). Như vậy, học sinh được nghỉ trước một ngày và học trước một ngày so với quy định kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4, 1/5 năm 2023 của Chính phủ.

Theo vị Hiệu trưởng nhà trường, quyết định này được đưa ra sau khi có sự thống nhất của Công đoàn nhà trường. Và vị Hiệu trưởng cũng cho rằng trường sẽ dạy bù, không cắt xén chương trình học của học sinh.

Thế nhưng, đây mới là sự đồng tình từ một phía. Bởi vì giáo viên nghỉ dạy đồng nghĩa với việc trách nhiệm quản lý con cái trong ngày hôm đó đã đẩy về phía gia đình, trong khi phụ huynh vẫn phải tất tả lo công việc Nhà nước. Ngày đáng ra được nghỉ bù học sinh lại phải đến trường để… học bù.

Một phụ huynh bức xúc trên các hội nhóm: “Tại sao thầy cô lại đi du lịch, đi biển vào ngày mà đáng ra học sinh tới trường để học? Nhà trường cũng yêu cầu con tôi phải học bù vào ngày nghỉ của dịp lễ. Việc này rất bất tiện cho phụ huynh”.

Cho học sinh nghỉ học rồi học bù không theo đúng quy định ngày nghỉ của Chính phủ sẽ ảnh hưởng đến gia đình của tất cả phụ huynh toàn trường.

Còn nhớ vào năm 2018, Hiệu trưởng một trường tiểu học cũng ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phải nhận án kỷ luật vì việc tự ý cho học sinh nghỉ thêm 2 ngày sau Tết Nguyên đán chỉ để tổ chức gặp mặt giáo viên và sinh hoạt chuyên môn.

Rồi đến lượt Hiệu trưởng Trường THPT Ba Đình (Thanh Hóa) cũng nhận án kỷ luật vì mắc lỗi tương tự, tự ý cho học sinh nghỉ để cán bộ, giáo viên nhà trường đi giao lưu ở Quảng Ninh. Những việc làm này đã khiến phụ huynh toàn trường phản ứng.

Vẫn biết với hơn 41.000 trường học trên cả nước, một vài trường hợp tự ý cho học sinh nghỉ không đúng theo quy định của ngành giáo dục chỉ là hy hữu. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng như Sở GD&ĐT các tỉnh, thành đều đặc biệt nghiêm cấm các trường cho học sinh nghỉ học sai quy định để ngăn chặn sự tùy tiện trong việc bố trí giờ giấc làm việc ở mỗi trường học.

Các trường hợp cho cho học sinh nghỉ không đúng quy định thường sẽ mắc chung lỗi: không xin phép cơ quan chủ quản; việc phổ biến lịch công tác đến học sinh và phụ huynh chưa thật sự chu đáo, gây hiểu lầm cũng như bức xúc cho phụ huynh.

Khác với ngành nghề khác, giáo dục là sự uy nghiêm và giàu tính kỷ luật, sự tùy tiện nếu lan sang các hình thức kỷ luật khác như: tùy tiện kỷ luật học sinh, tùy tiện nâng điểm, tùy tiện cắt xén nội dung dạy học của học sinh… sẽ gây hậu quả nghiêm trọng trong giáo dục con người.

Giáo dục hiện đại không phải là hình thức giáo dục áp đặt ý nghĩ chủ quan của một trường hay của cá nhân người thầy. Cách làm áp đặt, đưa ra những quy định riêng, thuận tiện từ một phía là quan điểm không còn phù hợp với môi trường hiện nay.

Thực tế cho thấy, cái uy của người thầy thời nay chính là sự tôn trọng của học sinh đối với thầy. Muốn thế, thầy cũng phải tôn trọng, lắng nghe học sinh và phụ huynh, cũng như việc chấp hành đúng các quy định do ngành đề ra.