Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quyết “cai nghiện” khí đốt Nga, EU ký thỏa thuận mua LNG của Mỹ

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - EU và Mỹ đã ký thỏa thuận cung cấp thêm khí đốt của Washington cho châu Âu khi khu vực này đang nỗ lực giảm tối đa phụ thuộc vào năng lượng Nga.

Ngày 25/3, Mỹ thông báo đã ký thỏa thuận cung cấp khí đốt hỗ trợ EU để giảm phụ thuộc vào Nga. Ảnh: Reuters
Ngày 25/3, Mỹ thông báo đã ký thỏa thuận cung cấp khí đốt hỗ trợ EU để giảm phụ thuộc vào Nga. Ảnh: Reuters

Mỹ sẽ cung cấp 15 tỷ m3 khí LNG cho châu Âu trong năm 2022

Reuters hôm 25/3 đưa tin Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ thông báo đạt thỏa thuận cung cấp ít nhất 15 tỷ m3 khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ cho châu Âu trong năm 2022.

Thỏa thuận được thông báo trong chuyến công du của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Brussels (Bỉ) để tham gia 3 Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhóm G7, và EU nhằm bàn các biện pháp kiềm chế chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, tăng cường hỗ trợ cho Kiev.

“Mỹ sẽ phối hợp cùng các đối tác quốc tế và nỗ lực nhằm đảm bảo cung cấp thêm cho thị trường EU ít nhất 15 tỷ m3 LNG trong năm 2022, sau đó sẽ tăng dần”, thông báo của Nhà Trắng cho biết.

Cùng ngày, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã thông báo tại Brussels rằng Mỹ và EC sẽ thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung để giúp EU thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Theo tuyên bố từ Nhà Trắng, lực lượng đặc nhiệm sẽ “làm việc nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho Ukraine và EU để chuẩn bị cho mùa đông tới và những mùa đông tiếp theo”. Mục tiêu dài hạn nhằm đảm bảo Mỹ sẽ cung cấp thêm cho EU khoảng 50 tỷ m3 LNG mỗi năm ít nhất tới năm 2030.

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, giá năng lượng tại châu Âu, vốn đã tăng mạnh trong những tháng cuối năm 2021 do nguồn dự trữ thấp, tiếp tục tăng lên mức kỷ lục.

Tuy nhiên, do các nhà máy LNG của Mỹ đang hoạt động hết công suất nên các nhà phân tích nhận định, hầu hết khí đốt bổ sung tới châu Âu sẽ đến từ nhà xuất khẩu vốn lẽ ra sẽ xuất sang các khu vực khác trên thế giới.

Nhà phân tích năng lượng Alex Froley tại ICIS nhận định: “Thông thường phải mất từ ​​hai đến ba năm để xây dựng một cơ sở sản xuất mới, vì vậy các nhà cung cấp LNG tại Mỹ khó có thực hiện được thỏa thuận này”.

Cũng có nhận định tương tự, các nhà phân tích tại ING Bank nói rằng, "trong trường hợp Mỹ cung cấp đủ 15 tỷ m3 LNG cho châu Âu trong năm 2022, thì hợp đồng nói trên không thể thay thế lượng khí đốt nhập khẩu của Nga”.

Nga là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu của châu Âu khi cung cấp 155 tỷ mét khối khí đốt sang EU năm 2021. Trong khi đó, lượng xuất khẩu LNG của Mỹ sang châu Âu tăng mạnh với 22 tỷ mét khối vào năm ngoái. Các nhà xuất khẩu Mỹ đã vận chuyển lượng LNG kỷ lục sang châu Âu trong 3 tháng liên tiếp với giá ở đây đã tăng gấp 10 lần so với cách đây 1 năm.

Châu Âu chia rẽ về trừng phạt năng lượng Nga

Mới đây, EU thông báo đặt mục tiêu cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong năm nay và chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027.

Theo dự thảo của Hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo EU nhất trí sẽ "làm việc cùng nhau về việc mua chung khí đốt" trước mùa đông tới và nỗ lực lấp đầy kho chứa khí đốt, như một giải pháp nhằm xây dựng vùng đệm nguồn cung khí đốt tránh phụ thuộc Nga.  

Trong khuôn khổ các cuộc họp ngày 25/3, các lãnh đạo EU cũng thảo luận về vấn đề cấm vận với lĩnh vực năng lượng Nga sau các biện pháp trừng phạt Mỹ và phương Tây đã áp đặt nhằm đáp trả việc Moscow phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Tuy nhiên, lãnh đạo các nước EU chia rẽ về việc liệu có tiến hành động thái mạnh mẽ tiếp theo như cấm nhập khẩu năng lượng của Nga hay không. Điều này cho thấy, vì lợi ích của mình, châu Âu sẽ khó thành lập một mặt trận thống nhất chống lại Nga.

Latvia và Ba Lan đang tìm cách ngăn chặn việc EU tiếp tục chi hàng trăm triệu Euro mỗi ngày để mua nhiên liệu hóa thạch của Nga .

Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins nhận định, nếu các nước EU mua năng lượng từ Nga thì đồng nghĩa đang tài trợ cho cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, kêu gọi những người đồng cấp EU “ngăn chặn dòng tiền chảy vào cỗ máy chiến tranh”.

Trái ngược quan điểm của các nước vùng Ban tích, Ba Lan, Phần Lan, những nước vốn phụ thuộc vào dầu mỏ hay khí đốt của Nga như: Hà Lan, Đức, Bỉ, Áo cho rằng, việc áp đặt lệnh cấm vận đối với năng lượng nhập khẩu của Nga “sẽ có tác động tàn phá đối với nền kinh tế châu Âu”.

Nga đang cung cấp 40% lượng khí đốt và 1/4 lượng dầu mỏ nhập khẩu của EU. Một số quốc gia châu Âu phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung năng lượng từ Nga, như Đức, chần chừ trước việc áp lệnh trừng phạt lĩnh vực năng lượng bởi quan ngại ảnh hưởng tới kinh tế.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định việc rút hệ thống năng lượng của Đức khỏi sự phụ thuộc vào Nga không thể xảy ra trong “một sớm một chiều”, đồng thời cảnh báo rằng việc ngừng cung cấp năng lượng của Nga sẽ khiến châu Âu và Đức rơi vào suy thoái sâu. Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck lưu ý thêm rằng có thể phải đến mùa hè năm 2024, nền kinh tế lớn nhất châu Âu mới có thể “cai nghiện” khí đốt của Nga.