Ủy ban châu Âu (EC) ngày 31/3 thông báo mức giá trần hiện tại mà các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) áp lên dầu Nga sẽ không thay đổi, theo hãng tin Bloomberg.
Đầu tuần này, các nước nhóm G7 không đồng ý hạ mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô của Nga vì cho rằng mức trần hiện tại đối với dầu mỏ Nga đã phát huy hiệu quả trong việc hạn chế doanh thu năng lượng của Moscow mà không gây bất ổn cho thị trường “vàng đen” toàn cầu.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hồi đầu tháng 3 cũng cho biết biện pháp áp trần giá dầu Nga của phương Tây đã đạt mục đích khi giảm nguồn thu của Moscow nhưng không khiến giá nhiên liệu biến động.
Báo cáo của IEA cho thấy doanh thu xuất khẩu dầu của Nga trong tháng 2/2023 là 11,6 tỷ USD, giảm 2,7 tỷ USD so với tháng trước đó trong khi sản lượng tăng mạnh.
Tờ Politico hôm 29/3 trích dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết, Mỹ đã phản đối lời kêu gọi của một số quốc gia thành viên EU về việc hạ giá trần đối với dầu thô của Nga.
Theo nguồn tin trên, Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic đang hối thúc EU xem xét lại mức giá trần đối với dầu mỏ Nga nhằm hạn chế nguồn thu của Moscow.
EU đã đồng ý xem xét lại biện pháp áp giá trần dầu mỏ Nga hai tháng một lần kể từ giữa tháng 1 vừa qua. Ba Lan và Litva đã đề xuất giảm mức giá trần hiện tại từ 60 USD/thùng xuống 51,45 USD/thùng.
Tuy nhiên, việc thay đổi mức giá trần này sẽ phải đạt được sự nhất trí giữa các quốc gia G7 và EU. Các nhà phân tích cho rằng việc giảm giá trần với dầu mỏ Nga sẽ gây bất lợi cho Mỹ vì cơ chế này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến các công ty năng lượng Mỹ.
Trước đó, G7 và EU đã áp trần giá 60 USD một thùng với dầu thô Nga, bắt đầu từ ngày 5/12/2022. Mục đích hạn chế khả tài chính của Moscow cho cuộc chiến tại Ukraine. Các công ty bảo hiểm và vận tải phương Tây bị cấm cung cấp dịch vụ cho dầu và các sản phẩm từ dầu Nga, trừ phi chúng được mua bằng hoặc dưới giá trần.
Để đáp trả Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ban hành sắc lệnh cấm cung cấp dầu thô và các sản phẩm dầu trong vòng 5 tháng, kể từ ngày 1/2/2023, cho các nước áp dụng giá trần.
Bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây, xuất khẩu dầu và sản lượng dầu của Nga trong năm ngoái vẫn tăng lần lượt 7,6% và 2%. Theo RT, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Nikolai Shulginov hôm 28/3 cho biết doanh số dầu Nga không bị giảm, vì nước này đã chuyển hướng xuất khẩu sang các nước “thân thiện”.
Bloomberg đưa tin, các nhà sản xuất năng lượng Nga vẫn dựa vào các công ty bảo hiểm phương Tây để chi trả cho hơn một nửa đội tàu vận chuyển dầu xuất khẩu của họ.
EU mở rộng cơ chế giá trần khí đốt
Theo Reuters, ngày 31/3, EC thông báo sẽ mở rộng cơ chế giới hạn giá khí đốt đối với tất cả các trung tâm giao dịch tại EU từ ngày 1/5 tới nhằm ngăn chặn nguy cơ bất ổn tiềm tàng trên thị trường năng lượng châu Âu.
Theo EC, động thái này có thể tạo lá chắn mạnh hơn giúp ngăn chặn tình trạng giá khí đốt tăng cao và không ổn định, đồng thời giúp tránh nguy cơ bất ổn tiềm tàng từ việc chỉ áp dụng với trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan.
Trước đó, hồi tháng 12 năm ngoái, các nước EU đã nhất trí mức trần giá khí đốt là 180 euro/MWh sau các cuộc đàm phán kéo dài về việc điều chỉnh giá khí đốt vốn đã thiết lập các mức cao kỷ lục do ảnh hưởng của cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine.
Theo cơ chế điều chỉnh này, mức giới hạn giá trên được kích hoạt khi giá khí đốt hợp đồng tương lai vượt quá mức 180 euro/MWh trong 3 ngày liên tiếp trên sàn giao dịch TTF. Giá TTF, vốn là mức giá chuẩn của châu Âu, cũng cần cao hơn 35 euro/MWh so với giá tham chiếu cho khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) dựa trên nhiều đánh giá về giá LNG hiện có trong 3 ngày, để kích hoạt việc áp giá trần.
Giá khí đốt tại sàn TTF, từng ghi nhận mức cao kỷ lục 343 euro/MWh trong tháng 8/2022, được giao dịch ở mức 45,70 euro/MWh khi đóng cửa phiên ngày 31/3, theo dữ liệu của Refinitiv Eikon.
Cơ chế giới hạn giá khí đốt được áp dụng mang tính chất tạm thời, và có hiệu lực đến tháng 1/2024.