Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quyết định rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân của Mỹ có ảnh hưởng đến hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên?

Lan Hương (Theo CNN/Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quyết định rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran là một thông điệp gửi đến Triều Tiên, quốc gia cũng sắp bước vào hội nghị thượng đỉnh với Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 8/5, giờ Mỹ, đã rút ra khỏi Thỏa thuận hạt nhân với Iran, nâng nguy cơ xung đột tại Trung Đông và bất ổn với giá dầu, bất chấp lời kêu gọi của các đồng minh châu Âu. Tổng thống Trump cũng tuyên bố trong bài phát biểu rằng, ông sẽ tái áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran.
 Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran.
Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết năm 2015 giữa Iran và 5 nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran. Đối lại, Tehran sẽ được dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump nhiều lần cho rằng đây là thỏa thuận tồi tệ mà chính quyền Tổng thống tiền nhiệm Obama đã thực hiện.
Lãnh đạo các nước đồng minh châu Âu, từng người một, đã đến Washington và nỗ lực thuyết phục Tổng thống Trump tiếp tục giữ thỏa thuận. Nhưng giữa tuần trước, các dấu hiệu cho thấy ông Trump sẽ không thay đổi quyết định ngày càng rõ ràng.
Chính quyền Tổng thống Trump vẫn để ngỏ khả năng đàm phán một thỏa thuận khác với các đồng minh nhưng hiện vẫn chưa rõ liệu các nước châu Âu có quyết định tham gia và có thể thuyết phục Iran chấp nhận hay không.
Lãnh đạo Anh, Đức và Pháp đã ra một tuyên bố chung bày tỏ thái độ quan ngại với quyết định của Tổng thống Trump. “Tuyên bố áp đặt trừng phạt cho thấy, nạn nhân đầu tiên chính là những đồng minh châu Âu của Mỹ”, một nhà ngoại giao giấu tên nói, nhấn mạnh rằng, rõ ràng, ông Trump không quan tâm đến các đồng minh.
Việc rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran là quyết định nằm trong chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Mỹ, cũng tương tự như quyết định không tiếp tục tham gia Hiệp ước chống biến đổi khí hậu Paris, rút khỏi TPP và ngày càng tiến gần hơn đến một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Quyết định này cũng thể hiện sự ảnh hưởng ngày một lớn từ các thành viên “diều hâu” trong chính quyền của Tổng thống Trump như tân Ngoại trưởng Mike Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton. Cả 2 đều tán thành việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
Các nhà quan sát cũng quan ngại rằng, mặc dù tác động của việc Mỹ rời khỏi thỏa thuận vẫn cần phải xem xét nhưng hành động này sẽ gửi một thông điệp tới các quốc gia khác - đặc biệt là Triều Tiên - về độ tin cậy của Mỹ với tư cách như một đối tác đàm phán.
Ngoài ra, các nhà phân tích cảnh báo, tiềm năng cho một cuộc chạy đua vũ khí ở Trung Đông nếu Iran rời bỏ thỏa thuận và bắt đầu lại chương trình hạt nhân và sẽ còn khó khăn hơn để đối đầu với hoạt động của Iran nếu điều này xảy ra.