Quyết liệt giảm nợ bảo hiểm xã hội, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Đức Toàn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, tình trạng trốn đóng, nợ đọng hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ các doanh nghiệp vẫn xảy ra phổ biến. Vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động (NLĐ)

Đủ chiêu doanh nghiệp trốn đóng BHXH

Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH của các DN đang là vấn đề báo động. Bên cạnh các DN do tác động của dịch Covid-19 nên không có khả năng nộp hoặc phải chậm nộp BHXH, vẫn còn có những DN cố tình chây ì, trốn đóng BHXH…

Không ít DN dù hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn bình thường, vẫn có lợi nhuận, lương thưởng cho người lao động đầy đủ nhưng lại cố tình chây ì, nợ BHXH.

Quyết liệt giảm nợ bảo hiểm xã hội, trốn đóng bảo hiểm xã hội - Ảnh 1

Về phía NLĐ, một mặt do sức ép việc làm và do chưa hiểu biết đầy đủ về chính sách cho nên chưa chủ động đấu tranh với chủ sử dụng lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.

Các DN thường sử dụng các hành vi, thủ đoạn sau để trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN: Các DN trốn đóng hoặc đóng không đúng số người thuộc diện tham gia, chuyển đổi hình thức ký hợp đồng lao động sang giao kết hợp đồng thuê khoán, hợp đồng miệng… để trốn BHXH, BHYT, BHTN, lập khống bảng chấm công cho NLĐ thể hiện không làm việc và không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng để trốn đóng; Các đơn vị trích tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN của NLĐ nhưng không nộp lại cho cơ quan BHXH. Hành vi này diễn ra ở nhiều loại hình DN để chiếm dụng tiền BH nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của DN do tiền lãi chậm đóng thấp hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng; Các đơn vị sử dụng lao động đóng không đúng mức lương và các loại phụ cấp theo quy định, lập 2 hệ thống sổ lương, một dùng để chi trả lương thực tế như đã thoả thuận với NLĐ, một hệ thống lương khác (thường là mức lương tối thiểu vùng) làm cơ sở đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ…

Thống kê đến tháng 10/2022, DN cả nước chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN phải tính lãi lên gần 14.600 tỷ đồng, chiếm gần 3,4% số phải thu. Chậm đóng xảy ra ở tất cả loại hình DN do chây ì, dùng tiền cho hoạt động kinh doanh khác thay vì đóng BHXH.

Đơn cử tại Hà Nội, DN nợ đóng BHXH hơn 5.100 tỷ đồng (chiếm 8,8% số tiền cần thu). Trong đó hơn 3.500 đơn vị nợ kéo dài từ hai năm trở lên. Đại diện một số DN cho hay tình trạng nợ, chậm đóng do khó khăn trong sản xuất hoặc làm ăn thua lỗ. BHXH Hà Nội đã nhiều lần gửi văn bản lẫn làm việc trực tiếp nhưng DN vẫn chưa đóng.

Thanh tra doanh nghiệp nợ đọng, trốn BHXH

Nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN những tháng cuối năm 2022, BHXH Việt Nam đã quyết liệt chỉ đạo BHXH các tỉnh, TP áp dụng triệt để các giải pháp thu hồi nợ. Trong đó, các đoàn thanh tra chuyên ngành tập trung thanh tra phương thức đóng, linh hoạt trong việc lựa chọn địa điểm thanh tra bằng việc mời đơn vị đến làm việc tại cơ quan, rút gọn thời gian thanh tra…

Đặc biệt, các cơ quan liên quan sẽ phối hợp lập hồ sơ chuyển cơ quan điều tra xử lý đối với đơn vị cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định tại điều 216 Bộ Luật hình sự năm 2015.

Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thu, thu nợ, phát triển người tham gia BH trong những tháng cuối năm 2022, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, BHXH các tỉnh cần rà soát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chính sách BH. 

Đẩy mạnh thanh tra đột xuất các đơn vị có dấu hiệu vi phạm; chủ động đề xuất và tích cực tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để đôn đốc thu, thu nợ. Thực hiện linh hoạt các giải pháp để chặn nợ mới phát sinh, thu nợ cũ; phối hợp với cơ quan chức năng ngay từ sớm để ngăn chặn, xử lý khi có dấu hiệu trục lợi, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Năm 2023, thanh tra ngành lao động các cấp (Bộ LĐ TB&XH) cũng sẽ làm việc với DN nợ đọng, chậm đóng, trốn đóng BHXH nhằm thu hồi số nợ lên tới hơn 14.600 tỷ đồng. Kế hoạch thanh tra chia làm nhiều đợt trong năm, thực hiện tại nhiều tỉnh thành, có thanh tra phụ trách các vùng và Sở Lao động Thương binh và Xã hội địa phương cùng tham gia. Thời gian, danh sách DN thanh tra được công khai, đơn vị vi phạm quy định sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật.

Việc nợ hay trốn BHXH cho người lao động không chỉ vi phạm pháp luật mà nghiêm trọng hơn, nó ảnh hưởng đến an sinh xã hội, khiến nhiều gia đình, phận người rơi vào cảnh khốn khó. Theo quy định, những người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên, sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Vì vậy, trường hợp các bên ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên thì cả người lao động và người sử dụng lao động đều phải đóng BHXH bắt buộc.