Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rò rỉ vấn đề Mỹ "ép" Trung Quốc tại đàm phán thương mại

Hương Thảo (Theo Bloomberg)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cuộc đối thoại đã được nối lại vào hôm 19/2 tại Washington và dự kiến ​​kéo dài đến thứ 6 tuần này trước hạn chót tái khởi động thuế quan vào ngày 1/3.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Đại diện thương mại Robert Lighthizer và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cùng chụp ảnh lưu niệm tại Bắc Kinh.

Bloomberg dẫn lời nguồn thạo tin cho biết, Washington đang yêu cầu Bắc Kinh giữ giá trị đồng NDT ổn định như một phần của các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - động thái được cho là nhằm vô hiệu hóa mọi nỗ lực của Trung Quốc trong việc phá giá tiền quốc nội để chống lại thuế quan của Mỹ.
Theo đó, quan chức của hai nước đang thảo luận về cách giải quyết chính sách tiền tệ trong một biên bản ghi nhớ của họ được thảo luận trong những tháng gần đây, tạo cơ sở cho một thỏa thuận mà cuối cùng sẽ phải được Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình chấp thuậnọa
Người phát ngôn của văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, nơi đang đảm nhận vai trò đàm phán hàng đầu cho Nhà Trắng, hiện vẫn chưa đưa ra bình luận về thông tin này, trong khi đồng NDT ở nước ngoài đã tăng lên mức cao nhất trong ngày là 6,75/USD sau báo cáo của Bloomberg. Đồng USD Australia - nền kinh tế có liên kết chặt chẽ với Trung Quốc - đã tăng 0,6% so với đồng bạc xanh.
Bế tắc thương mại song phương Mỹ - Trung là một trong những nguyên nhân chính khiến đồng NDT giảm hơn 5% trong năm 2018, làm dấy lên suy đoán rằng Trung Quốc đang cố tình làm suy yếu đồng tiền của mình để bù đắp tác động của thuế quan Mỹ. Từ đầu năm đến nay, NDT đã tăng trở lại gần 2% sau khi trượt xuống mức thấp nhất hàng thập kỷ so với đồng USD hồi cuối tháng 10 năm ngoái.
Mục tiêu chính trị quen thuộc
Sự can thiệp ngoại hối của Trung Quốc từ lâu đã là mục tiêu chính trị ở Mỹ, khi chính ông Trump đã từng tuyên bố quốc gia châu Á là "một kẻ thao túng tiền tệ" trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016 của mình. Tuy nhiên sau hai năm tại vị, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin của chính quyền Trump đã không tìm thấy căn cứ cho cáo buộc đó nhưng vẫn thường xuyên theo dõi NDT một cách chặt chẽ.
Mỹ cũng ngày càng khăng khăng đòi các điều khoản tiền tệ trong các hiệp định thương mại, chẳng hạn như tại Hiệp ước NAFTA mới - hiện đang chờ phê duyệt bởi Quốc hội Mỹ - đã yêu cầu ba quốc gia thành viên không tham gia vào việc phá giá tiền tệ để có lợi thế cạnh tranh. Chính quyền Tổng thống Obama trước đó cũng từng thuyết phục Nhật Bản và nhiều bên khác đưa ra một cam kết tương tự trong các cuộc đàm phán của mình cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.
Một thỏa thuận về NDT với Trung Quốc dường như cũng rất quan trọng đối với chính trị trong nước của ông Trump, bởi lãnh đạo thiểu số Thượng viện Chuck Schumer đến từ Đảng đối lập vốn là người ủng hộ mạnh mẽ việc sử dụng các biện pháp trừng phạt thương mại để đáp trả các cáo buộc thao túng tiền tệ của Bắc Kinh.