Và sau quyết định lịch sử, nước Anh còn một chặng đường dài để giải quyết những vấn đề sau sự kiện này. Tăng tốc “ly hôn” Nước Anh với vị thế và tiếng nói không nhỏ trên chính trường, thị trường thế giới là “con cá lớn” vừa vuột khỏi tay EU. Quyết định ra đi của Anh chắc chắn sẽ làm thay đổi cục diện địa chính trị, làm lung lay nền tảng cán cân quyền lực tại châu Âu, buộc EU phải định hình lại vai trò của liên minh này với thế giới. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker khẳng định, dù Brexit không phải “cuộc ly hôn tốt đẹp” nhưng cộng đồng EU đều muốn nó kết thúc nhanh chóng, để châu Âu có thể tập trung vào tương lai của mình.
Không chỉ có châu Âu, nhiều quốc gia châu Á có quan hệ thương mại với Anh cũng đang triển khai biện pháp ứng phó Brexit. Theo đó, đại diện Hàn Quốc hôm 26/6 tuyên bố, nước này sẽ thực hiện đàm phán về hiệp định thương mại tự do (FTA) mới với EU và nước Anh. Seoul và EU đã ký FTA vào năm 2009. Brexit thành hiện thực đồng nghĩa với việc nước Anh sẽ bị loại ra khỏi các FTA của EU. Xói mòn vị thế Một cuộc “ly hôn” thứ hai cũng đang nhen nhóm trong nội bộ nước Anh. Scotland - nơi 62% cử tri bỏ phiếu ở lại EU đã xuất hiện làn sóng ủng hộ “ly khai” khỏi Anh. Bà Nicola Sturgeon - Thủ hiến Scotland, đồng thời là lãnh đạo của Đảng Quốc gia Scotland (SNP) khẳng định, tương lai của Scotland sẽ vẫn là một phần của EU. Chính trị gia này cũng cho rằng, Scotland chắc chắn sẽ tính đến phương án tiến hành trưng cầu dân ý tách khỏi Anh. Cùng với Scotland, đại đa số cử tri Bắc Ireland cũng ủng hộ ở lại EU. Thực tế này cho thấy Anh có nguy cơ đối mặt với những thay đổi lớn trong nội bộ sau "cuộc ly dị đầy rắc rối” với Brussels. Trong khi đó, nguy cơ xói mòn vị thế và tự cô lập của London, dù chưa rõ ràng đã gia tăng khả năng sau cuộc trưng cầu dân ý, đại thể là trong quan hệ với Washington. Từ trước tới nay, Anh vẫn là đồng minh đắc lực của Mỹ trong lĩnh vực an ninh, đặc biệt là trong các chiến dịch quân sự do Mỹ dẫn đầu chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq, cũng như ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Nga. Mặc dù ông Obama khẳng định rằng, nước Anh sẽ vẫn là một "đối tác thiết yếu" bất chấp Brexit, kết quả của cuộc trưng cầu dân ý vẫn là đòn giáng mạnh đối với người đứng đầu Nhà Trắng và có thể ảnh hưởng sâu sắc đến chính sách ngoại giao với Anh. Quá muộn để hối tiếc? Trước nguy cơ đánh mất những quyền lợi đi lại và làm việc trong EU, nhiều công dân Anh đã ráo riết tìm cách bảo lưu quyền công dân trong khối. Nếu Anh rời khỏi EU, những người cầm hộ chiếu nước này sẽ không còn được hưởng quyền tự do đi lại trong khối. Trong khi đó, công dân Anh có hộ chiếu Ireland vẫn được hưởng đặc quyền này. Dữ liệu tìm kiếm của Google cho thấy lượng từ khóa "xin cấp hộ chiếu Ireland" tăng đột biến trong cộng đồng sử dụng mạng của Anh. Bên cạnh đó, gần 3 triệu người đã ký vào thư kiến nghị trên trang web của Quốc hội Anh, yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về việc Anh đi hay ở lại EU. Tác giả bản kiến nghị - William Oliver Healey cho rằng, chính phủ cần tổ chức lại trưng cầu dân ý vì tỷ lệ bỏ phiếu “rời đi” chưa vượt quá 60% với tỷ lệ cử tri dưới 75%. Con số 2,4 triệu lượt ký chỉ chưa đầy 48 giờ sau cuộc trưng cầu hôm 23/6 cho thấy nhiều người Anh đã hối tiếc khi chọn rời khỏi EU. Thực tế, kết quả trưng cầu dân ý không có tính ràng buộc về pháp lý. Về lý thuyết, Thủ tướng Anh có thể bỏ qua kết quả trưng cầu dân ý và trình thư kiến nghị lên Quốc hội. Quyền quyết định thời điểm “kích hoạt” Điều khoản 50 trong Hiệp ước Lisbon cho phép ông Cameron hủy bỏ kết kết quả trưng cầu dân ý và không thông báo cho EU về tiến trình rời đi. Tuy nhiên, điều này rất khó xảy ra trong thực tiễn và chưa có tiền lệ.
Nhiều vùng đang có ý định trưng cầu dân ý tách khỏi Vương quốc Anh và Bắc Ireland. |
Dự kiến lộ trình Anh rời EU Hôm nay (27/6), Nội các Anh có cuộc họp đầu tiên kể từ khi Anh quyết định rời EU. Sau đó, ông David Cameron sẽ dự Hội đồng châu Âu (EC) về vấn đề này. Vào tháng 10 tới, nước Anh sẽ có Thủ tướng mới khi Đại hội đảng Bảo thủ được tổ chức. Quá trình đàm phán với EU được tiến hành dưới thời Thủ tướng mới, và người kế nhiệm ông Cameron sẽ quyết định có khởi động quá trình pháp lý rời EU hay không. Trước đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk đã chỉ định nhà ngoại giao Bỉ Didier Seeuws điều phối các cuộc đàm phán với Anh về Brexit. Ứơc tính đến năm 2019, thay vì năm 2018 như lịch trình London dự kiến, công tác đàm phán giữa hai bên mới có thể hoàn tất. Nguyên nhân là do EU sẽ "chơi rắn" trong các cuộc đàm phán để cảnh báo các nước thành viên khác về hậu quả khi cố gắng làm điều tương tự như London. |