Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rũ bỏ nỗi lo suy thoái, chỉ số Dow Jones tăng hơn 500 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ duy trì đà tăng mạnh trong ngày 15/8, khi dữ liệu lao động và tiêu dùng khả quan hơn đã củng cố niềm tin của nhà đầu tư rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ hạ cánh mềm.

Chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng mạnh trong phiên ngày 15/8. Ảnh: CNBC
Chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng mạnh trong phiên ngày 15/8. Ảnh: CNBC

Theo CNBC, chốt phiên ngày thứ Năm, chỉ số Dow Jones tăng 554 điểm (tương đương 1,39%) lên 40.563,06 điểm. Chỉ số S&P 500 leo dốc 1,61% lên 5.543,22 điểm, tăng phiên thứ 6 liên tiếp. Chỉ số này đã tăng khoảng 8% so với mức đáy ghi nhận trong phiên bán tháo ngày 5/8. Chỉ số Nasdaq Composite cũng tiến 2,34% lên mức 17.594,50 điểm.

Giới đầu tư Phố Wall phấn khích sau khi báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy doanh thu bán lẻ tháng 7 tăng 1%, vượt xa mức dự báo tăng 0,3% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.

Ngoài ra, báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 10/8 lần đầu đã giảm 7.000, xuống còn 227.000 đơn.

Trước đó, các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg dự đoán số đơn xin trợ cấp sẽ vào khoảng 235.000. Cũng theo bản báo cáo, số đơn xin tiếp tục nhận trợ cấp đã giảm xuống còn 1,86 triệu trong tuần kết thúc vào ngày 3/8.

Các dữ liệu kinh tế tích cực đã giúp thị trường cổ phiếu phục hồi sau đợt bán tháo vào đầu tháng 8 do lo ngại về nguy cơ suy thoái. 

Sau khi leo dốc hơn 3% kể từ đầu tuần, chỉ số S&P 500 hiện chỉ thấp hơn khoảng 2% so với mức đỉnh lịch sử.

Ba chỉ số chính trên sàn Phố Wall cũng đang giao dịch cao hơn mức chốt phiên hôm 2/8 - một ngày trước khi thị trường chứng khoán toàn cầu sụp đổ do lo ngại về suy thoái kinh tế và sự kết thúc của giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade). 

“Báo cáo doanh thu bán lẻ và số liệu thất nghiệp tích cực là một lời nhắc nhở rằng nền kinh tế Mỹ không đến mức suy sụp. Đúng là các động lực của nền kinh tế  có giảm đi, nhưng không có dấu hiệu cho thấy chúng ta sắp rơi vào suy thoái” - nhà kinh tế trưởng Stephanie Roth của Công ty Wolfe Research nhận định với đài CNBC.

Trước đó, dữ liệu lạm phát khả quan được công bố đầu tuần này đã góp phần xua tan nỗi lo suy thoái của giới đầu tư và giúp thị trường cổ phiếu  phục hồi mạnh mẽ. Lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 ở mức 2,9%, thấp nhất kể từ đầu năm 2021. 

CPI  hạ nhiệt cùng với chỉ số giá sản xuất (PPI) đã trấn an các nhà đầu tư rằng nền kinh tế Mỹ vẫn hạ cánh mềm và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nhiều khả năng sẽ bắt đầu giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9.

Theo chiến lược gia trưởng về cổ phiếu Terry Sandven tại US Bank Wealth Management, quan ngại của nhà đầu tư về nguy cơ nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái đã lắng dịu, điều này tạo lực đẩy cho các tài sản rủi ro như cổ phiếu.Vị chuyên gia này lưu ý thêm: “Diễn biến khởi sắc trên thị trường trong phiên giao dịch hôm nay hoàn toàn hợp lý khi doanh số bán lẻ cao hơn kỳ vọng, còn chỉ số CPI duy trì ở mức có thể chấp nhận được”. Các nhà đầu tư sẽ tập trung theo dõi các dữ liệu kinh tế khác trong tuần này, cũng như Chủ tịch Fed Jerome Powell có bài phát biểu rất được chờ đợi tại Jackson Hole vào tuần tới.

Trong khi đó, Chủ tịch Fed tại Atlanta, ông Raphael Bostic, nói với tờ The Atlanta Journal-Constitution hôm 14/8 rằng ông ủng hộ việc bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9.

Cổ phiếu Walmart đã tăng 7% sau khi nhà bán lẻ này nâng triển vọng tăng trưởng và công bố báo cáo tài chính vượt qua ước tính của các nhà phân tích.

Trong một diễn biến khác, cổ phiếu Cisco Systems cũng nhảy vọt 7% sau khi công ty công bố lợi nhuận và doanh thu quý 2 vượt kỳ vọng.