Rủi ro địa chính trị - mối đe dọa lớn nhất của kinh tế toàn cầu

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo khảo sát mới nhất của Oxford Economics, khoảng 36% doanh nghiệp được khảo sát nói rằng căng thẳng địa chính trị là rủi ro hàng đầu hiện nay.

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Ảnh: AP
Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Ảnh: AP

Kết quả khảo sát vừa được Oxford Economics công bố hôm 3/8 cho thấy các doanh nghiệp đang xem căng thẳng địa chính trị là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu.

Chuyên gia Jamie Thompson, tác giả của cuộc khảo sát, cho biết kết quả mới nhất “xác nhận” rằng nhận thức về rủi ro kinh tế đã thay đổi đáng kể đối với các doanh nghiệp. “Căng thẳng địa chính trị hiện là quan ngại lớn nhất của nền kinh tế toàn cầu, cả trong ngắn hạn và trung hạn,” ông Thompson lưu ý trong báo cáo.

Khoảng 36% doanh nghiệp được khảo sát cho biết đang xem căng thẳng địa chính trị là rủi ro hàng đầu hiện nay, chẳng hạn như những rủi ro liên quan đến các vấn đề về Đài Loan (Trung Quốc), căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên, quan hệ giữa Nga và NATO.

Trong khi đó, cuộc khảo sát tương tự vào tháng 4 cho thấy, gần một nửa số doanh nghiệp được khảo sát xem việc thắt chặt nguồn cung tín dụng hoặc một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện là rủi ro hàng đầu trong ngắn hạn.

Theo CNBC, cuộc khảo sát rủi ro toàn cầu quý III/2023 mới nhất của Oxford Economics bao gồm 127 doanh nghiệp tham gia từ ngày 6-27/7.

Kết quả khảo sát của Oxford Economics được đưa ra trong bối cảnh leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc khi quan hệ song phương xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Về vấn đề Đài Loan, Bắc Kinh khẳng định đây là vấn đề nội bộ và cảnh báo Washingon rằng đây là một “lằn ranh đỏ” không được vượt qua. Trong khi đó, xung đột Nga-Ukraine đã làm căng thẳng mối quan hệ giữa Moscow với NATO.

Nỗi lo lạm phát hạ nhiệt

Cuộc khảo sát mới nhất lưu ý rằng, mặc dù vẫn xem lạm phát cao là một “rủi ro ngắn hạn đáng kể” song các doanh nghiệp trên toàn cầu đang kỳ vọng rằng vấn đề này cuối cùng sẽ giảm bớt.

Các doanh nghiệp trên toàn cầu đang kỳ vọng lạm phát sẽ giảm trong thời gian tới. Ảnh: AP
Các doanh nghiệp trên toàn cầu đang kỳ vọng lạm phát sẽ giảm trong thời gian tới. Ảnh: AP

Chuyên gia của Oxford Economics nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát đều kỳ vọng lạm phát giá tiêu dùng thế giới sẽ ở mức 3,7% vào năm 2024, thấp hơn 0,2% so với dự báo của chúng tôi. Lạm phát kỳ vọng trong trung hạn đã giảm đáng kể sau giai đoạn tăng mạnh trong hai năm gần đây”.

Cuộc khảo sát cũng nhấn mạnh những quan ngại về rủi ro liên quan đến ngành ngân hàng đã giảm bớt, nhưng vẫn còn những bất an về chính sách tiền tệ.

Khoảng 30% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ vẫn xem việc thắt chặt nguồn cung tín dụng hoặc một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện là một trong những rủi ro hàng đầu trong thời gian tới.

Một số nhà đầu tư kỳ cựu của Phố Wall dự đoán chu kỳ thắt chặt tiền tệ mạnh tay của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có nguy cơ khiến nhiều ngân hàng khu vực của Mỹ phá sản.

Những rủi ro trong dài hạn

Rủi ro địa chính trị tiếp tục là nỗi lo lớn nhất đối với các doanh nghiệp trên thế giới trong vòng 5 năm tới. Hơn 60% doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát nói rằng đó là một “rủi ro hàng đầu” đối với nền kinh tế toàn cầu.

“Tương tự kết quả khảo sát trong quý I/2023, hơn 3/5 số người được hỏi xem rủi ro địa chính trị là nguy cơ lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu trong trung hạn. Việc gia tăng căng thẳng địa chính trị có khả năng kích hoạt quá trình phi toàn cầu hóa đáng kể đối với thương mại và hệ thống tài chính,” ông Thompson lưu ý trong báo cáo.

Phi toàn cầu hóa là rủi ro được trích dẫn nhiều thứ ba trong cuộc khảo sát mới nhất, với 23% doanh nghiệp được khảo sát trả lời là “rủi ro rất đáng kể”.

Ngoài ra, khoảng 25% doanh nghiệp cho biết việc sớm nới lỏng chính sách tiền tệ là một trong những lực đẩy quan trọng nhất đối với tăng trưởng kinh tế.

Nhận định về nền kinh tế Trung Quốc, các doanh nghiệp nhận thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khó có thể tạo được “cú hích” cho phục hồi kinh tế toàn cầu trong năm nay.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã lưu ý rằng, sự phục hồi kinh tế hậu Covid của Trung Quốc đang mất đà và tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới.

Báo cáo mới nhất của IMF cho biết: “Sự suy yếu tiếp tục trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đang đè nặng lên hoạt động đầu tư. Nhu cầu tiêu dùng tại thị trường nước ngoài tăng trưởng chậm. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên ngày càng tăng cao (tăng vọt 20,8% vào tháng 5/2023) cho thấy sự yếu kém của thị trường lao động”.