Honda và Nissan - hai “gã khổng lồ” trong ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản - đang thu hút sự chú ý của giới chuyên gia với việc công bố mở các vòng đàm phán về khả năng hợp nhất, dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2026.
Động thái này đánh dấu một sự chuyển hướng lịch sử của ngành ô tô xứ sở Mặt Trời mọc, để sẵn sàng đối đầu với mối đe dọa ngày càng lớn từ các nhà sản xuất ô tô điện từ Mỹ và Trung Quốc đối với các hãng xe truyền thống toàn cầu.
Nếu thành công, liên minh này sẽ tạo ra tập đoàn sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới tính theo doanh số, chỉ sau Toyota và Volkswagen. Đồng thời, sau khi sáp nhập, Honda và Nissan sẽ có quy mô lớn hơn, cũng như có nhiều cơ hội chia sẻ nguồn lực hơn trước sự cạnh tranh khốc liệt từ Tesla và các đối thủ từ Trung Quốc, như BYD.
Tuy nhiên, bài học từ quá khứ cho thấy việc kết hợp hai tổ chức có quy mô toàn cầu là điều không hề đơn giản, kể cả khi chúng có chung một quốc gia.
"Các công ty ô tô là những guồng máy phức tạp với đội ngũ kỹ sư đông đảo, mạng lưới sản xuất toàn cầu và hàng trăm nghìn nhân viên". Thomas Stallkamp – một cố vấn kỳ cựu trong ngành ô tô, nhận định. "Khi kết hợp hai thực thể như vậy, bạn sẽ đối mặt với vô số xung đột về cái tôi và quyền lực".
Cuộc hôn nhân "bất đắc dĩ"
Theo báo New York Times, động lực thúc đẩy sự hợp nhất giữa Honda và Nissan đến từ những thách thức chung của hai công ty này.
Một trong những thách thức lớn nhất là doanh số tại Trung Quốc - thị trường ô tô lớn nhất thế giới, đang lao dốc không phanh. Ngày càng nhiều người tiêu dùng Trung Quốc đang chuyển sang dùng ô tô điện hoặc hybrid, với thời gian nạp đầy nhiên liệu nhanh hơn nhiều so với dự đoán của hầu hết các chuyên gia ngành. Đây là thứ mà Honda và Nissan hoàn toàn lép vế trước các nhà sản xuất ô tô nội địa của Trung Quốc như BYD và SAIC, cũng như “gã khổng lồ” Tesla của tý phú Elon Musk.
Tháng trước, Honda thông báo lợi nhuận ròng của hãng trong năm tài khóa 2024, tính đến tháng 3, dự kiến giảm 14%. Doanh số bán xe trên toàn cầu của Honda cũng được dự báo sẽ giảm từ 3,9 triệu xuống còn 3,8 triệu chiếc. Những khó khăn này chủ yếu đến từ thị trường Trung Quốc, nơi từng chiếm tới 1/3 doanh số bán hàng của hãng.
Phía Nissan còn gặp nhiều vấn đề hơn trong những năm gần đây do các biến động từ đội ngũ quản lý. Tại Mỹ, một thị trường quan trọng mà Nissan từng thu về lợi nhuận đáng kể, thị phần của công ty đã giảm mạnh do phải chật vật trong việc bán các mẫu ô tô và xe tải đời cũ. Trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 9, lợi nhuận hoạt động của Nissan đã giảm tới 90%, buộc hãng phải lên kế hoạch cắt giảm 9.000 việc làm và 20% sản lượng xe trên toàn cầu.
Sức mạnh tổng hợp hay "gánh nặng kép"?
Về lý thuyết, việc Honda và Nissan sáp nhập có thể giúp tối ưu chi phí và đẩy nhanh quá trình phát triển xe điện. Các nhà phân tích cho rằng sự hợp nhất có thể đem lại lợi ích cho cả hai, đặc biệt tại thị trường Mỹ với các dòng xe như Sentra, Altima của Nissan và Civic, Accord của Honda. Bên cạnh đó, Nissan sở hữu công nghệ chế tạo xe bán tải mà Honda không có. Điều này có thể có giá trị với Honda trong tương lai
Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy. Các vụ sáp nhập trong quá khứ như Daimler-Chrysler hay BMW-Rover đều gặp khó khăn do xung đột văn hóa và cấu trúc quản lý. Ngay cả những thương vụ thành công như Hyundai-KIA cũng phải trải qua quá trình điều chỉnh dài hơi.
Bản thân Nissan và Honda từng là đối tác của các hãng như Renault và General Motors, song các mối lương duyên này đều không kéo dài lâu. Nissan và Renault không còn hợp tác chặt chẽ sau khi Carlos Ghosn - cựu giám đốc điều hành của liên minh, bị bắt giữ. Trong khi đó, Honda hiện có liên kết với General Motors trong việc bán hai mẫu xe điện Honda Prologue và Acura ZDX do G.M. sản xuất. Tuy nhiên, hãng không có ý định mở rộng hợp tác với G.M. mà đang chuyển hướng sang bắt tay với Hyundai.
Marc Cannon, cựu giám đốc điều hành hãng bán lẻ AutoNation, bày tỏ hoài nghi: "Honda vẫn là thương hiệu mạnh với sản phẩm chất lượng, trong khi Nissan đang vật lộn với nhiều bất ổn. Liệu Honda có thực sự muốn gánh vác những khó khăn của Nissan hay không?"
Câu chuyện Honda-Nissan cho thấy trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô đang thay đổi mạnh mẽ, các hãng xe buộc phải cân nhắc mọi khả năng để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, con đường hợp nhất đòi hỏi không chỉ tầm nhìn chiến lược mà còn cần sự khéo léo trong việc dung hòa những khác biệt để tạo nên giá trị cộng hưởng thực sự.