Mảnh đất kỳ vĩ với những thăng trầm
Sức hấp dẫn có một không hai của Sa Pa đã được biết tới kể từ mùa đông năm 1903, khi đoàn thám hiểm chính quyền Đông Dương phát hiện ra nơi này.
Năm 1920, gần 300 biệt thự đã được xây dựng, biến nơi đây trở thành "kinh đô nghỉ mát mùa hè" của toàn cõi Ðông Dương. Trên Tạp chí Đông Dương, năm 1943, Chánh Sở Quy hoạch đô thị và Kiến trúc Đông Dương có viết: “Sa Pa, khu nghỉ dưỡng tuyệt đẹp khiến ta gợi nhớ đến dãy núi Alps”. Song, du lịch Sa Pa cũng có những nốt trầm trong giai đoạn 1945-1951 khi chiến tranh liên miên diễn ra.
Từ những năm 1991, chính quyền Lào Cai bắt đầu chú trọng phát triển du lịch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Nhưng, thời điểm đó, Lào Cai vẫn là 1 trong 6 tỉnh nghèo nhất cả nước, 50% số hộ dân Sa Pa vẫn thuộc diện hộ nghèo.
Từ 2001 đến 2005, chính quyền đẩy mạnh đầu tư và quảng bá khu du lịch Sa Pa. Các khách sạn, homestay… được xây dựng; dịch vụ mới cũng xuất hiện như nhà hàng, tắm lá người Dao, massage... Dẫu vậy, giai đoạn này, Sa Pa vẫn chỉ đón khoảng 500.000 lượt khách/năm, chưa đủ hấp dẫn để níu khách lưu trú quá hai ngày.
Năm 2011, theo chuẩn nghèo mới, Lào Cai vẫn còn gần 43% hộ nghèo, hơn 14% hộ cận nghèo. Nỗi khó khăn, nhọc nhằn tưởng chừng dập tắt ước mơ, hoài bão của những thanh niên dân tộc.
Như Má A Tông, chàng trai người H’Mông ôm mộng làm hướng dẫn viên du lịch nhưng phải bỏ dở việc học về Lào Cai làm phu bốc vác, vượt biên sang Trung Quốc làm thuê, làm porter dẫn khách lên Fansipan.
Hay chàng trai Chảo Láo Ú lớn lên cùng cái nghèo khó. Biến cố ập tới với Ú là khi vợ mang bầu sắp sinh, bị rắn cắn đe doạ tính mạng. Nhìn đôi bàn tay của vợ đã biến dạng vì rắn độc cắn, Ú nung nấu ý chí - "bằng mọi giá phải kiếm nhiều tiền để vợ con bớt khổ".
Những ước mơ được thắp sáng
Tương lai của A Tông, Láo Ú… cứ ngỡ sẽ tiếp tục tối đen như con đường trải về bản làng vùng cao nhưng tất cả đã thay đổi, chỉ vài năm sau đó. Năm 2014, A Tông chính thức được nhận vào làm tại Công ty Cáp treo Fansipan. Từ đây, anh cùng hàng nghìn kỹ sư, công nhân Sun Group và hàng trăm đồng bào dân tộc thiểu số khác tham gia xây dựng cáp treo Fansipan.
Cáp treo Fansipan, với người Sun Group, là công trình “vô tiền khoáng hậu”, bởi quá trình thực hiện quá vất vả. 800 ngày đêm làm việc không ngơi, 35.000 tấn vật liệu được vận chuyển thủ công qua rừng, thay vì chặt cây mở đường như cách các dự án cáp treo khách từng được thực hiện ở châu Âu.
Hàng nghìn con người cõng đá lên lưng chừng trời như những đàn kiến cần mẫn xây tổ vì các giải pháp máy móc, trực thăng… đều vô hiệu trước địa hình, khí hậu Fansipan… Các chuyên gia Doppelmayr Garaventa - công ty sản xuất cáp treo lớn nhất thế giới từng tuyên bố, họ sẽ “không làm một công trình thứ hai như vậy do quá vất vả về địa hình, thời tiết, khí hậu và con người”.
Năm 2016, tuyến cáp treo Fansipan được khánh thành, xác lập kỷ lục “Cáp treo ba dây dài nhất thế giới”, “Cáp treo ba dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới”, rút ngắn thời gian chinh phục “nóc nhà Đông Dương” từ 2 - 4 ngày xuống còn 15 phút. Tuyến cáp treo và những công trình thuộc quần thể Sun World Fansipan Legend khi đó, góp phần mở ra chương mới cho du lịch Sa Pa.
Còn với những người dân bản địa như Má A Tông, 5 năm làm việc cho Công ty Cáp treo Fansipan, gia đình anh có đồng ra đồng vào. Chàng trai dân tộc Mông trở thành một trong những người đầu tiên được nhận nhà theo chương trình “Mái ấm mừng xuân” của Sun Group.
Kinh tế gia đình Chảo Láo Ú cũng cải thiện tích cực kể từ khi anh làm việc tại Sun World Fansipan Legend. Năm 2020, Chảo Láo Ú cũng có tên trong danh sách được Sun Group hỗ trợ xây nhà. Đến nay, Sun World Fansipan Legend đã tạo ra công ăn việc làm, là ngôi nhà thứ hai của gần 200 cán bộ công nhân viên người dân tộc thiểu số.
Giai đoạn 5 năm (2015 - 2020), Sa Pa đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 13,42%. Thu nhập bình quân của người dân đạt 42,5 triệu đồng mỗi năm, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) bình quân đạt 85,5 triệu đồng một năm, tăng 1,8 lần.
Điểm sáng của du lịch miền Bắc
Kể từ khi ra đời, Sun World Fansipan Legend đã mang tới những kỳ tích cho du lịch Sa Pa. Giai đoạn 2016-2019, lượng khách tới Lào Cai tăng 144%. Cuối năm 2019, doanh thu từ du lịch của tỉnh là 19.200 tỷ đồng, gấp 4 lần so với năm 2016.
Năm 2020, khi ngành du lịch thế giới chao đảo vì đại dịch, thị xã Sa Pa lại vào top những điểm đến mới nổi lại châu Á, tiếp tục được xướng tên với hai giải thưởng tại WTA 2020: Điểm du lịch văn hóa hấp dẫn và Điểm du lịch có thắng cảnh thiên nhiên hấp dẫn.
Năm 2022, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, ngành du lịch địa phương nhanh chóng phục hồi. Cả năm lượng khách đến Lào Cai ước đạt 4.477.000 lượt khách, tăng 219% so với cùng kỳ. Năm 2023, ngành du lịch Lào Cai phấn đấu đón 6 triệu lượt khách.
Chính sự đoàn kết, chung tay của chính quyền và các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, các cơ sở lưu trú đã tạo lực cộng hưởng nâng tầm du lịch địa phương.
Ông Nguyễn Xuân Chiến – Chủ tịch Sun Group Vùng Tây Bắc cho biết, doanh nghiệp đã cùng Hiệp hội Du lịch Sa Pa, chính quyền địa phương xác lập mục tiêu, xây dựng các kế hoạch, chương trình kích cầu lớn như “Sa Pa - Bay giữa mùa hoa”, “I love Sapa – Tôi yêu Sa Pa” mùa 1, 2, 3. Các hoạt động thu hút lượng du khách khổng lồ đến với Sa Pa, đem lại lợi ích chung cho du lịch và kinh tế thị trấn mờ sương.
“Bên cạnh đó, cách làm du lịch văn minh, chuyên nghiệp, nề nếp của Sun World Fansipan Legend đi đầu cũng được lan tỏa, dần xóa bỏ tình trạng manh mún, thiếu chuyên nghiệp trước đây”, ông Chiến nói.