Sản phẩm “đu theo” thời virus corona

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự nguy hiểm và thiệt hại do virus corona gây ra cho cộng đồng cho đến nay vẫn chưa thể cân đong đo đếm. Nhưng câu chuyện ăn theo, nói chính xác hơn là “đu trend” (theo xu hướng) thời virus corona là bộc lộ khá nhiều.

Khi nhịp sống ngày càng tăng chóng mặt, đã không ít lần tôi tự hỏi: “Có khi nào trên đường đời tấp nập/Ta vô tình đã đi lướt qua nhau”. Cho đến khi virus corona xuất hiện, bao công việc phải tạm thời ngừng lại, tôi và không ít người mới kịp giật mình.
Giật mình chưa?
Virus corona đã khiến cho hơn 22 triệu học sinh, sinh viên và 1,2 triệu giáo viên, cán bộ, công nhân tại các nhà trường phải nghỉ học. Điều này đã khiến cho học sinh, sinh viên chiếm xấp xỉ 20% dân số của cả nước có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài nhất trong lịch sử. Để cho các em có cảm giác “thèm học”, muốn được đến trường gặp gỡ và giao lưu với bạn bè. Để các ông bố, bà mẹ và các nhà quản lý biết được không gian vui chơi của trẻ em ở các thành phố thiếu đến mức nào? Bà Lưu Thị Nga - Trưởng ban phụ huynh tại quận Đống Đa (Hà Nội) than thở: “Nếu phải nghỉ thêm tuần nữa, có khi bọn trẻ phát cuồng mất”. Cuồng thật, chả biết chơi ở đâu?
 
Để chúng ta chợt nhận ra, E-Learning được coi là “niềm tự hào” của ngành giáo dục trong nhiều năm qua phát huy tác dụng như thế nào khi học sinh cần được học trực tuyến. Phần mềm eBIB Teaches được Bộ GD&ĐT quảng bá trên web: truonghocketnoi đã lâm vào tình trạng “thử kêu, đốt tịt”. Làm thể nào để có thể giáo dục trực tuyến vẫn là câu chuyện dài kỳ và nếu không thay đổi cách làm thì dễ dẫn đến ngõ cụt.
Đối với các nhà quản lý truyền thông và cộng đồng thời virus corona có dịp hiểu thế nào là fake news. Mặc dù cơ quan quản lý Nhà nước và an ninh mạng đã gọi lên là phạt không biết bao facebooker về những phát ngôn ngẫu hứng, tung tin thất thiệt nhưng người đọc cũng cần có thói quen sàng lọc thông tin.
“Dịch tin giả” cũng lan tràn không kém virus corona, có người chỉ để nổi tiếng nên tung tin thất thiệt, nhưng không ít kẻ lợi dụng mạng xã hội để kiếm tiền. “Đu trend” chỉ 2 từ “khẩu trang” mà không biết bao kẻ đã kiếm được hàng trăm triệu đồng khi đang tâm kiếm tiền bằng cách bán hàng online lừa đảo.
Bài học của nước láng giềng cho thấy tầm quan trọng của mình bạch thông tin, thời điểm công bố thông tin đối với các dịch bệnh như Covid-19. Bất cứ sự thổi phồng hay bóp mép sự thật đều phải trả giá, bởi khi cộng đồng không có điều kiện tiếp xúc với thông tin lõi chính xác thì sẽ không có hành động phản ứng kịp thời.
Đừng so sánh rằng người Úc, người Mỹ không sợ corona thì chúng ta chẳng việc gì phải sợ. Nền khoa học y khoa của họ khác ta và an sinh y tế của họ khác ta, tôi thích nhất câu nói “hãy chống Covid-19 theo cách của bạn” của nhà thơ Phạm Mầu.
Nếu như Nghị định 100 cho ta biết không nhất thiết thăng quan, tiến chức hay hội hè cần lấy bàn nhậu làm địa điểm thì virus corona cho biết không nhất thiết mọi cuộc giao tiếp đều cần bắt tay, cũng chả cần “muốn ăn, gắp bỏ cho người”. Để cho mọi người đàn ông, sau giờ làm tránh đi sự sa đà không cần thiết, trở về bên mâm cơm gia đình, nơi vợ con đang đợi từng ngày.
Vấn đề không phải là giải cứu
Virus corona tưởng như chỉ là chuyện của ngành y nhưng nó lại liên quan đến cả nông dân và những chiến dịch giải cứu nông sản. Khi dưa hấu, thanh long, sầu riêng và hàng loạt nông sản không xuất đi Trung Quốc thì cộng đồng dấy lên các chiến dịch giải cứu. Nhưng chả ai có thể dùng thanh long, sầu riêng để thay cơm nên vấn đề không phải là giải cứu.
BSA Media đã có những thước phim về bánh mì thanh long, canh chua thanh trà, hàng loạt sản phẩm mới được chế biến đầy tài hoa từ nông sản. Virus corona đã khiến cho các nhà kinh doanh nông sản thấm thía “không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ”. Rõ ràng, bài toán đầu ra cho nông sản Việt Nam cần hiều cảm hứng chế biến và nhiều tính toán giỏi trong kinh doanh để đưa ra đáp áp đầu ra cho nông dân Việt.
Đến giờ, không một người Việt nào chết vì virus corona thì mới hiểu được sự nỗ lực của ngành y tế. So với nhiều quốc gia có người chết và người nhiễm virus trên thế giới lớn hơn chúng ta cả số lượng tuyệt đối lẫn theo tỷ lệ phần trăm dân số mới thấy, virus corona không sợ những nền y tế hiện đại. Cái cần là tinh thần của Chính phủ và người dân khi đối diện với con virus, sợ nó quá thì nó cũng lấn tới và thờ ơ thì nó cũng được đà xung phong.
Dùng trí tuệ nhân tạo
Đối diện với virus corona chúng ta mới chợt hiểu, có bao nhiêu quốc gia thì có bấy nhiêu cách ứng xử với đại dịch bệnh, không nước nào giống nước nào. Cho đến ngày 18/1, Indonesia thông báo 62 ca nghi nhiễm đều có kết quả âm tính sau xét nghiệm. Ngay cả 238 người Indonesia được sơ tán từ Vũ Hán đầu tháng này và cách ly hai tuần cũng đã được xác nhận khỏe mạnh. Không biết bao nhiêu phần trăm là sự thật nhưng Bộ trưởng Y tế Terawan Agus Putranto, một bác sĩ quân y, cho biết: “Chúng tôi được vậy là nhờ cầu nguyện, chúng tôi cầu mong dịch bệnh không tới Indonesia”.
 Những chiếc bánh mì thanh long góp phần giải cứu nông sản Việt bị ùn ứ do dịch Covid-19. Ảnh: Uyên Phương
Trong khi đó, cũng với thành quả tương tự thì cách làm của Singapore lại hoàn toàn khác. Quốc đảo này đã công khai các thông tin về làm sơ đồ virus corona. Việc được cập nhật về danh tính người nhiễm virus, những địa chỉ mà người ấy từng đi, đã giúp người dân tự kiểm tra xem mình có liên quan gì không để có những hành động thích hợp.
Singapore đã ứng dụng các thành tựu trí tuệ nhân tạo, đưa vào các phương pháp nhận diện khuôn mặt, đặc điểm cá nhân… vào việc phòng, chống virus corona dù chưa chắc hệ thống quản lý xã hội của họ đã chi tiết hơn Trung Quốc. Nhưng chỉ cần smartphone kết nối 3G thì cho đến giờ này Singapore đã ứng phó thành công dù họ là quốc gia có Hoa kiều chiếm tỷ lệ cao.
Bảo hiểm Covid-19 - xu thế thời đại
“Đu trend” thời virus corona có món “tụ tập hồi hướng hóa giải dịch nạn” của nhà chùa và một số công ty bảo hiểm tại Việt Nam đang tung ra những chính sách cho khách hàng trong tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid -19) diễn biến phức tạp.
Thoạt nhìn thì tưởng đích đến của 2 hoạt động trên là một, nhưng rõ ràng việc nếu tụ tập hồi hướng hóa giải dịch nạn mà thành công thì Trung Quốc đã không chết nhiều như thế. Chưa kể việc nhà chùa tụ tập đông người đã làm trái với khuyến cáo của Bộ Y tế, bản thân chính quyền địa phương sau đó đã lên tiếng cũng là lời cảnh tỉnh.
Sẽ có nhiều ý kiến khác nhau khi các công ty bảo hiểm Daiichi Việt Nam, Bảo Việt Nhân Thọ, Manulife Việt Nam, AIA Việt Nam, Generali Việt Nam, Chubb Life Việt Nam tung ra các sản phẩm của mình nhưng phải công nhận trend này hợp xu thế. Đắt, rẻ, thiệt, hơn… là do cảm nhận của từng người nhưng “mua rủi, bán hên” là xu thế của thời đại, nếu biết tất cả trường hợp mắc viêm phổi do nCoV - thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A - khi đã công bố dịch trên toàn quốc đều được điều trị miễn phí thì bạn không nên tham gia. Các gói bảo hiểm đâu chỉ đơn thuần tiền viện phí.

BSA Media đã có những thước phim về bánh mì thanh long, canh chua thanh trà, hàng loạt sản phẩm mới được chế biến đầy tài hoa từ nông sản. Virus corano đã khiến cho các nhà kinh doanh nông sản thấm thía “không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ”. Rõ ràng, bài toán đầu ra cho nông sản Việt Nam cần hiều cảm hứng chế biến và nhiều tính toán giỏi trong kinh doanh để đưa ra đáp án đầu ra cho nông dân Việt.