Sản phẩm OCOP vẫn bí đầu ra
Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sản phẩm OCOP vẫn bí đầu ra

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường hiện nay đang diễn ra một nghịch lý, trong khi người tiêu dùng mong muốn được sử dụng sản phẩm an toàn, chất lượng, thì các sản phẩm được chứng nhận 4, 5 sao khi tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) lại đang loay hoay tìm nơi tiêu thụ.

Đông đảo khách hàng tới tham dự hội chợ quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với các tỉnh miền núi phía Bắc tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (Tây Hồ). Ảnh: Hoài Nam
Nghịch lý cung – cầu
Đến với hội chợ quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với các tỉnh miền núi phía Bắc tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (Tây Hồ) diễn ra cuối tháng 7, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Phú Gia (Tiên Yên, Quảng Ninh) giới thiệu 3 sản phẩm: Khâu nhục, chả mực, gà Tiên Yên. Những sản phẩm này được người tiêu dùng Thủ đô đón nhận và đánh giá rất cao. Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Gia Lý Văn Thắng chia sẻ: Mặc dù có chất lượng nhưng trước đó sản phẩm của HTX mới chỉ quanh quẩn ở “ao làng” nên sản lượng tiêu thụ không cao. “Chúng tôi đang tìm cách đưa sản phẩm vào các siêu thị nhưng yêu cầu về giấy tờ chứng minh rất khắt khe” – ông Thắng cho hay.
Tương tự, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại và xuất nhập khẩu Dương Kiên, xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai Dương Đình Khôi cho biết: "Miến dong của công ty là sản phẩm truyền thống, được người tiêu dùng rất ưa chuộng và đã được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao. Sản phẩm được phân phối ở một số đại lý bán lẻ và hiện công ty đang muốn đưa vào siêu thị lớn nhưng loay hoay chưa biết làm cách nào?".
Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu chia sẻ, bản thân các DN rất quan tâm tới những sản phẩm chất lượng và mong muốn đa dạng hóa mặt hàng bày bán. Tuy nhiên, để vào được siêu thị, các chuỗi cửa hàng thì sản phẩm phải bảo đảm các giấy tờ pháp lý liên quan. Có một thực tế là dù các đơn vị đã được cấp chứng nhận về OCOP nhưng khi được hỏi đến các giấy tờ chứng minh, kiểm nghiệm thì hầu như đều thiếu. Một vấn đề nữa là nhiều trường hợp sau khi ký hợp đồng thì lại không giữ uy tín chất lượng sản phẩm như ban đầu.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Vừa qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới T.Ư tổ chức sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc. Qua sự kiện đã có trên 175 hợp đồng, biên bản ghi nhớ hợp tác đã được ký kết giữa các DN, siêu thị lớn với các chủ thể có sản phẩm OCOP.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Công ty CP Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam Đỗ Hoàng Thạch, thực tế sau các chương trình hội thảo, hội chợ, kết nối giao thương thường bị đứt gãy thông tin. Do đó, để biên bản ghi nhớ không dừng lại trên giấy, cần có một địa điểm trưng bày, giới thiệu cho các chủ thể OCOP. Bởi siêu thị không phải kênh phân phối duy nhất và không phải sản phẩm nào cũng vào được siêu thị.
Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới T.Ư Nguyễn Minh Tiến cho rằng: Cần có sự kết nối giữa chủ thể OCOP với các DN, trong đó có sự giám sát của cơ quan Nhà nước. Các chủ thể OCOP cần chú trọng đầu tư hơn về khoa học kỹ thuật, chuẩn hóa quy trình sản xuất, hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm... “Khi sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, được chứng nhận thì chắc chắn sẽ được các siêu thị và người tiêu dùng đón nhận” – ông Tiến khẳng định.
Sau 5 ngày diễn ra hội chợ kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm OCOP các tỉnh miền núi phía Bắc đã thu hút hơn 30.000 lượt khách, chủ yếu là người tiêu dùng đến mua sắm sản phẩm. Từ đó, có thể thấy nhu cầu tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao của người dân Hà Nội là rất lớn.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí