Sẵn sàng cho ESG để cạnh tranh ở thị trường EU

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo giới chuyên gia, các nhà sản xuất châu Á cho các thương hiệu toàn cầu cần tăng cường chuẩn Môi trường-Xã hội-Quản trị (ESG) để duy trì tính cạnh tranh, đặc biệt là khi những quy định mới ở EU bắt đầu có hiệu lực.

Ủy ban Môi trường của Nghị viện châu Âu cuối tuần qua đã ủng hộ các điều luật cứng rắn hơn, buộc những công ty trên toàn thế giới có hơn 250 nhân viên và doanh thu hàng năm hơn 40 triệu euro (42,8 triệu USD) phải kiểm tra và báo cáo xem các nhà cung cấp của họ, ở trong và ngoài châu Âu, có sử dụng lao động nô lệ, trẻ em hoặc gây ô nhiễm môi trường hay không.

Các công ty cũng phải thông qua và báo cáo kế hoạch chuyển đổi phù hợp với mục tiêu “trung hòa carbon” vào năm 2050 của Liên minh châu Âu (EU). Luật được đề xuất sẽ ảnh hưởng đến khoảng 12.800 công ty lớn của EU và khoảng 4.000 công ty ngoài EU bán hàng cho thị trường này.

Chỉ thị Báo cáo Tính bền vững Doanh nghiệp của EU, dự kiến được triển khai vào năm tới, sẽ yêu cầu doanh nghiệp tiết lộ các vấn đề về tính bền vững, chẳng hạn như biến đổi khí hậu tác động đến hoạt động kinh doanh của họ như thế nào, cũng như hoạt động của họ ảnh hưởng đến con người và hành tinh ra sao.

Khoảng 50.000 công ty - gồm tất cả các công ty lớn, vừa và nhỏ đã niêm yết - sẽ phải công bố thông tin như vậy, tăng từ 11.700 công ty lớn và tổ chức công có hơn 500 nhân viên bắt buộc theo luật hiện hành.

Về phần mình, các công ty này sẽ yêu cầu nhà cung cấp toàn cầu tiết lộ dữ liệu về tính bền vững của họ, chẳng hạn như lượng khí thải nhà kính, để có thể tính toán ảnh hưởng môi trường và mức độ rủi ro xã hội của chính họ.

Ngoài ra, Chỉ thị Thẩm định về tính bền vững của doanh nghiệp EU, vẫn đang trong quá trình soạn thảo, dự kiến cũng sẽ yêu cầu báo cáo về tính bền vững vào năm 2025.

SCMP dẫn lời Chủ tịch Linda Kromjong của Amfori - công ty có trụ sở tại Brussels chuyên cung cấp các công cụ kỹ thuật số và đào tạo để các nhà cung cấp tự đánh giá hiệu suất ESG theo chuẩn quốc tế - lưu ý, các quy định sắp thành luật ở EU sẽ sớm buộc hàng chục nghìn nhà cung cấp trên toàn chuỗi cung ứng ở châu Á phải báo cáo hiệu suất ESG của họ.

“Nếu bạn không bắt đầu chuẩn bị ngay từ bây giờ thì sẽ bị động khi luật có hiệu lực” - bà Linda nói - “Các công ty có trụ sở (ở châu Á) và muốn kinh doanh với châu Âu, trực tiếp hoặc gián tiếp, đều sẽ bị ảnh hưởng bởi luật này. Không có ngoại lệ”.

Theo bà, một số quốc gia bao gồm Đức, Anh, Australia và Na Uy đã có sẵn quy định tập trung vào các khía cạnh xã hội và môi trường cụ thể, và các quy định sắp tới của EU sẽ tập hợp tất cả những quy định này lại với nhau. Tuy nhiên, trọng tâm của các luật mới là việc cải tiến, chứ không phải theo đuổi mức độ hoàn hảo.

“Miễn là các doanh nghiệp có thể chứng minh rằng mình có hệ thống quản trị, quy trình và tính minh bạch…, rằng họ đang tập trung vào cải tiến liên tục cũng như nỗ lực hết sức để giảm thiểu rủi ro và làm tốt hơn, thì doanh nghiệp sẽ hoàn thành mục tiêu mà EU yêu cầu” - Chủ tịch Amfori nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần