Diễn đàn được tổ chức trong 2 ngày 17 và 18/10, với chủ đề “Hợp tác Vành đai và Con đường chất lượng cao: Cùng nhau phát triển và thịnh vượng chung", quy tụ hơn 4.000 đại biểu. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, hơn 140 quốc gia và 30 tổ chức quốc tế xác nhận tham gia diễn đàn tại Bắc Kinh.
Khuôn khổ sự kiện sẽ bao gồm 3 diễn đàn cấp cao về hậu cần, sinh thái và kinh tế kỹ thuật số; 6 hội nghị chuyên đề về ngoại thương, trao đổi các chuyên gia cố vấn, thúc đẩy hợp tác hàng hải liên khu vực. Sau diễn đàn, một tuyên bố chung sẽ được đưa ra về các định hướng trong tương lai và các lĩnh vực chính nhằm nâng cao chất lượng hợp tác BRI.
Được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi động vào năm 2013, BRI ban đầu được định hình là một vành đai trên bộ và một con đường trên biển nối Trung Quốc với châu Âu và châu Phi. Tính đến nay, hơn 150 quốc gia đã ký các thỏa thuận hợp tác dưới sự bảo trợ của BRI, với các cam kết được đưa ra cho hơn 3.000 dự án và "huy động tới một nghìn tỷ USD đầu tư".
Được tài trợ bởi các ngân hàng phát triển Trung Quốc cũng như các tổ chức cho vay thương mại nhà nước, các công ty xây dựng Trung Quốc đã mở đường cao tốc từ Papua New Guinea đến Kenya, xây dựng các cảng từ Sri Lanka đến Tây Phi, đồng thời cung cấp cơ sở hạ tầng điện và viễn thông từ Mỹ Latinh đến Đông Nam Á.
Các quan chức Bắc Kinh ca ngợi BRI đã "vượt qua tư duy địa chính trị cũ" và "tạo ra một mô hình hợp tác quốc tế mới". Tuy nhiên, khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, sáng kiến đầy tham vọng này dường như đang mất dần đà tăng trưởng, ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 ập đến.
Theo Trung tâm Chính sách Phát triển Toàn cầu, nguồn tài trợ nước ngoài từ 2 ngân hàng phát triển của Trung Quốc dành cho những người vay chính phủ trong khuôn khổ BRI đã giảm đáng kể, từ mức đỉnh năm 2016 là 87 tỷ USD xuống còn 3,7 tỷ USD vào năm 2021, mặc dù con số này không bao gồm tiền từ những bên cho vay khác như ngân hàng thương mại hoặc các tổ chức khác.
Do đó, nhiệm vụ của Bắc Kinh lúc này là việc định hướng thập kỷ thứ hai của BRI trong bối cảnh những thách thức kinh tế nghiêm trọng ở trong nước, bao gồm sự phục hồi kinh tế hậu Covid-19 không như mong đợi và làn sóng nợ công tăng cao của các chính quyền địa phương - liên quan đến cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản.
Các nhà phân tích đã ghi nhận sự chuyển hướng của Trung Quốc, từ việc tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ USD - nhưng thường lãng phí - sang các dự án nhỏ nhưng với lợi nhuận tốt hơn, chẳng hạn như các dự án liên quan đến năng lượng tái tạo và công nghệ kỹ thuật số.
Vào năm 2021, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi ưu tiên các dự án "nhỏ và tốt", mà các quan chức Trung Quốc cho rằng sẽ thu hút người dân địa phương. Cuối năm đó, ông Tập cam kết Trung Quốc sẽ không xây dựng bất kỳ dự án nhiệt điện than mới nào ở nước ngoài.
BRI cũng đã thúc đẩy các quốc gia khác tăng cường nỗ lực hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển. Vào tháng 6/2022, các nhà lãnh đạo của nhóm G7 đã hứa sẽ đầu tư 600 tỷ USD đầu tư vào năm 2027 để "cung cấp các dự án thay đổi cuộc chơi nhằm thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng" giữa các quốc gia.
Tháng trước, Mỹ, Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Pháp, Đức, Italia và Liên minh châu Âu cũng đã công bố một kế hoạch riêng của mình nhằm kết nối châu Âu, Trung Đông và châu Á, bằng đường sắt.