Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sáng tạo từ hình tượng tiên nữ

Bài, ảnh: Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại tọa đàm “Tinh hoa văn hóa Việt - Hình tượng tiên nữ” vừa diễn ra, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho biết, Rồng - Tiên đã được đề cập trong vô số tác phẩm văn học, nghệ thuật cũng như các công trình nghiên cứu về lịch sử và văn hóa ở Việt Nam.

Hai tiếng Rồng - Tiên đã gắn bó với rất nhiều ngọn núi, con sông, gắn bó với tên đất, tên người. Người Việt từ bao đời lớn lên nhờ hạt lúa, củ khoai, cùng với lời ru của mẹ, câu chuyện của bà, hầu như ai cũng biết huyền thoại Rồng - Tiên.

Khách quốc tế thích thú trải nghiệm không gian trưng bày “Tiên trong di tích”.
Khách quốc tế thích thú trải nghiệm không gian trưng bày “Tiên trong di tích”.

Ngày nay, suốt từ Bắc vào Nam có vô vàn địa danh gắn bó với chữ Tiên. Có thể kể ra như Suối Tiên (Yên Bái), gò Cánh Tiên (Hà Nội), núi Tiên Du (Bắc Ninh), núi Cánh Tiên (Thanh Hóa), Bàu Tiên (Hà Tĩnh), Giếng Tiên (Quảng Ngãi), Cát Tiên (Đồng Nai)... Tất cả những địa danh có tên Tiên đều gắn với sự tích tiên nữ từ trên trời xuống.

Bên cạnh tên đất tên người, hình tượng tiên nữ còn xuất hiện độc đáo và phong phú trong các ngôi chùa, đình, đền, miếu, như đình Lỗ Hạnh, đình Tây Đằng, đình Tường Phiêu, chùa Keo. Theo nhà điêu khắc Lê Thị Liễu, hình tượng tiên nữ được thể hiện đỉnh cao trong điêu khắc đình làng thế kỷ XVI, XVII, XVIII. Những tạo hình tiên trong đình làng hết sức phong phú, đa dạng, có những chạm khắc tỉ mỉ, chi tiết, có tác phẩm ước lệ; có tiên được tạo hình trang nghiêm quyền uy, có tiên đang múa uyển chuyển, bay bổng; có chạm khắc tiên nữ như những cô thôn nữ áo yếm váy đào vắt vẻo trên lưng rồng.

Kế thừa truyền thống, trải qua nhiều lần đi điền dã các ngôi đình cũng như nghiên cứu hình tượng tiên nữ từ nhiều góc độ tiếp cận liên ngành mang tính biểu tượng, văn hóa học, lịch sử…, nhiều ý tưởng của các nghệ sĩ trẻ hiện nay đã được phát triển trở thành những tác phẩm mỹ thuật, nghệ thuật thị giác hấp dẫn đưa tới cách nhìn nhận diễn giải độc đáo về một hình tượng nghệ thuật dân gian được biến chuyển trong hình hài của những tác phẩm nghệ thuật mới mẻ.

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đã nối lại mạch nguồn sáng tạo từng bị đứt đoạn thời Nguyễn. Ngay từ thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, ông đã vẽ rất nhiều tranh bột màu tiên nữ cưỡi rồng. Tiếp nối ông, nhiều nghệ sĩ thế hệ kế tiếp như Vũ Dân Tân, Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Đức Hòa, Quan Hằng Cao, Phạm Khắc Quang, Vũ Xuân Đông, Vương Văn Thạo đã sáng tạo những tác phẩm đặc sắc.

Những tác phẩm đó đã được trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật (22 Hàng Buồm) với chủ đề “Tiên trong di tích”. Trưng bày được tổ chức với mong muốn khơi lạc mạch nguồn lịch sử, trưng bày tái hiện một phần dòng chảy tạo hình người Việt với tiêu điểm là hình tượng tiên nữ suốt chiều dài lịch sử từ thời Lý tới nay qua những bức ảnh của các tác giả.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giám tuyển dự án “Tiên - Rồng” cho biết: Những chất liệu truyền thống của mỹ thuật Việt Nam như lụa, sơn mài, giấy dó đang tiếp tục được ứng dụng và sáng tạo. Dự án như một nỗ lực mở rộng thực hành nghệ thuật đối thoại với di sản văn hóa truyền thống Việt Nam của thế hệ nghệ sĩ trẻ, mong muốn nâng cao hiểu biết và khả năng hợp tác phối hợp giữa các thế hệ họa sĩ để giải quyết những vấn đề tổng hòa và bổ sung cho nhau trong một dự án mang tính liên ngành, góp phần đưa những dự án nghệ thuật mang tính thực tiễn cao đóng góp vào tiến trình từng bước hội nhập trong nền công nghiệp văn hóa.