Dự thảo Nghị định của Chính phủ về giảm sở, ngành ở địa phương trong đó đề xuất hợp nhất 2 sở Tài chính và Kế hoạch đầu tư thành Sở Kế hoạch-Tài chính; hợp nhất Sở Giao thông, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch và kiến trúc của Hà Nội và TPHCM thành Sở Hạ tầng và phát triển đô thị đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý nhận định bộ máy hành chính hiện nay cồng kềnh và việc cơ cấu lại theo hướng thu gọn, hợp nhất một số cơ quan chuyên môn là cần thiết. Việc hợp nhất phải đảm bảo tinh gọn bộ máy, giảm bớt trùng lặp, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, tiết kiệm chi tiêu công và đảm bảo thuận lợi cho người dân. Tuy vậy, vẫn có những ý kiến băn khoăn khi cho rằng việc hợp nhất cần tiến hành thận trọng để tránh xáo trộn.
Phóng viên đã trao đổi với ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ để có thêm góc nhìn về vấn đề này.Xu thế cải cách chung của thế giới
PV: Ông đánh giá thế nào về đề xuất sáp nhập sở ngành trong Dự thảo của Bộ Nội vụ?
Ông Thang Văn Phúc: Tôi cho đây là một dự thảo tốt, tư tưởng cải cách rất đúng và phù hợp với xu thế cải cách chung của các nước trên thế giới, đó là xây dựng một Chính phủ nhỏ, xã hội lớn, Nhà nước làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình là xác định chiến lược phát triển, xây dựng chính sách pháp luật và các tiêu chí để phát triển, đồng thời kiểm tra, kiểm soát toàn bộ hoạt động của xã hội, hướng tới một Chính phủ kiến tạo như Thủ tướng đã đề ra.
PV: Có ý kiến cho rằng, để cải cách triệt để và thống nhất, nên tiến hành sáp nhập một số bộ ngành Trung ương đồng nhất với địa phương. Ông nghĩ thế nào về đề xuất này?
Ông Thang Văn Phúc: Trong nhiều chương trình tổng thể và các nghiên cứu cải cách bộ máy Nhà nước về xây dựng một Chính phủ nhỏ cho thấy số lượng các Bộ không phải 22 như hiện nay, có thể dưới 20. Thực tế ở một số nước, đặc biệt ở những nước phát triển nhất, họ cũng chỉ có 12-15 Bộ. Do vậy chúng ta vẫn có khoảng trống để tiến hành sắp xếp, thu gọn lại theo hướng tổ chức Bộ đa ngành, đa lĩnh vực. Tư tưởng này đã có từ năm 1999.
PV: Quá trình triển khai thực hiện việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy không hề dễ dàng, khi đụng chạm đến quyền lợi của nhiều người, nhiều quan chức. Theo ông, làm thế nào để gạt bỏ lợi ích riêng phục vụ lợi ích chung trong việc sáp nhập, cơ cấu lại?
Ông Thang Văn Phúc: Lần này theo tôi chúng ta cần làm với tinh thần mới, tinh thần hành động thiết thực và hiệu quả, trên cơ sở vì lợi ích lớn của đất nước vì sự phát triển. Trong xây dựng đất nước đương nhiên sẽ có nhiều thách thức, cản trở vì những lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân có thể xen vào làm chậm quá trình cải cách, quá trình phát triển của đất nước.
Đây cũng sẽ là cuộc đấu tranh, một cuộc cách mạng thực sự, chuyển biến từ nhận thức đến hành động. Tôi nghĩ chúng ta đã có đủ điều kiện để làm được việc này.
PV: Việc sáp nhập cũng sẽ xuất hiện tâm lý cho rằng vai trò chuyên môn của sở mình đang bị xem nhẹ nên mới bị sáp nhập, ông nghĩ sao về tâm lý này?
Ông Thang Văn Phúc: Đó chỉ là một tầm nhìn hạn hẹp. Trên cơ sở Hiến pháp 2013, tư tưởng phân cấp phân quyền đã được xác lập, hệ thống pháp luật đã được cụ thể hóa từ Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Chính quyền địa phương. Tuy nhiên, Luật Chính quyền địa phương chưa đạt như mong muốn trong vấn đề phân quyền, phân cấp triệt để, hợp lý cho chính quyền địa phương nên có sự lúng túng, chồng chèo, trùng lắp, không rõ trách nhiệm.
Kỳ này khi vấn đề trách nhiệm được làm rõ sẽ cho thấy năng lực của đội ngũ cán bộ có đáp ứng được yêu cầu đổi mới hay không. Đây sẽ là môi trường mới để lựa chọn đội ngũ cán bộ công chức, lãnh đạo quản lý của đất nước. Quan trọng là làm rõ được chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của từng cấp, theo tinh thần phân cấp đã được xác định từ năm 2004, đặc biệt trong Hiến pháp 2013. Làm như vậy sẽ rõ việc, rõ người.
PV: Có lo ngại rằng việc sáp nhập sẽ tạo ra quyền lớn hơn vì như sáp nhập 2 sở tài chính và kế hoạch đầu tư sẽ làm cho người đứng đầu một sở vừa quyết kế hoạch lại quyết luôn phương án tài chính, như vậy có minh bạch không khi “vừa đá bóng vừa thổi còi”?
Ông Thang Văn Phúc: Thực ra không ngại vấn đề đó, bởi cơ chế chính sách, hệ thống luật về ngân sách của chúng ta có, địa phương là cơ quan chấp hành pháp luật cứ thế thực hiện. Chúng ta còn có các cơ quan HĐND, UBND, nên giám đốc không thể tự tung tự tác vì chúng ta có đủ công cụ để kiểm soát. Vấn đề là thái độ để xử lý kịp thời, phát hiện vấn đề.
Cần sự thay đổi trong tư duy và cách thức quản lý
PV: Ông có cho rằng khi chuyển từ quản lý đơn ngành sang quản lý đa ngành, tư duy và cách thức quản lý cũng phải thay đổi không?
Ông Thang Văn Phúc: Phải thay đổi, cần phối hợp trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền của từng bộ phận. Bên cạnh đó, hệ thống chính phủ điện tử sẽ giúp cho quá trình xử lý công việc chỉ một tuyến, đơn tuyến mà tính liên ngành đã rõ. Với một thông tin thì có 10 cơ quan biết thông tin đó và họ sẽ xử lý trên một nền chung.
PV: Thực tế ở Thanh Hóa, giai đoạn 2008-2013, sau khi được thành lập trên cơ sở sáp nhập 4 sở và 2 cơ quan ngang sở, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có tới 11 Phó giám đốc. Trên Trung ương, các bộ ngành sáp nhập khiến số lượng cấp Thứ trưởng cũng tăng đột biến. Như vậy mục tiêu tinh giản và tránh chồng chéo trong quản lý liệu có đạt được không, thưa ông?
Ông Thang Văn Phúc: Thực tế đó theo tôi là bài học kinh nghiệm cho quá trình quản lý của chính phủ và các cấp. Quan trọng là chúng ta phải có một đề án tốt, phù hợp; hệ thống tổ chức các phòng, các lĩnh vực mới của một sở được giao phải rõ và tránh được sự chồng chéo.
PV: Có lẽ khó khăn hơn cả là việc sắp xếp lại cán bộ khi sáp nhập vì khi đó sẽ dôi dư cấp phó, cấp thứ rất nhiều. Từ những bài học kinh nghiệm trước, theo ông đâu là bài toán để sắp xếp nhân sự hợp lý nhất?
Ông Thang Văn Phúc: Kỳ này phải làm rất triệt để. Ngay từ đầu phải có sự đồng hành với quá trình sắp xếp tổ chức, rà soát lại đội ngũ cán bộ. Trong vấn đề này có vai trò quan trọng của các cấp ủy Đảng và người đứng đầu các tổ chức hành chính. Nếu phối hợp và thực hiện tốt sẽ khắc phục được tình trạng một trưởng có tới 7, 8 phó. Thời kỳ đó chúng ta đã phải trả giá và rút ra bài học thực tiễn.
PV: Xin cảm ơn ông./.