Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã: Cân nhắc những yếu tố đặc thù

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia, nhà khoa học, người dân... cho rằng, Hà Nội cần tính toán, bổ sung yếu tố đặc thù về văn hóa, lịch sử, tâm linh... khi xây dựng kế hoạch, lập đề án chi tiết thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

Xem xét tác động văn hóa, lịch sử... khi sắp xếp đơn vị hành chính

Dư luận, truyền thông đang dành sự quan tâm đến thông tin Hà Nội có 1 đơn vị hành chính cấp huyện (quận Hoàn Kiếm) và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023 – 2025.

Quận Hoàn Kiếm có giá trị kiến trúc đô thị với những phố cổ nổi tiếng, khi sắp xếp cần tính toán chứ không chỉ vấn đề diện tích, dân số. Ảnh: Hải Linh
Quận Hoàn Kiếm có giá trị kiến trúc đô thị với những phố cổ nổi tiếng, khi sắp xếp cần tính toán chứ không chỉ vấn đề diện tích, dân số. Ảnh: Hải Linh

Trước đó, ngày 12/7/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Trong giai đoạn 2023 - 2025, qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí theo quy định, Hà Nội có 1 đơn vị hành chính cấp huyện (quận Hoàn Kiếm) và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập.

Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả rà soát và đối chiếu ban đầu theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đơn vị hành chính. Trên cơ sở quán triệt nghiêm túc chủ trương, các nghị quyết của T.Ư, Hà Nội sẽ xây dựng kế hoạch, lập đề án chi tiết, cụ thể báo cáo Chính phủ, trong đó, TP sẽ cân nhắc rất kỹ, đánh giá cụ thể cả những hệ quả, tác động về văn hóa, lịch sử, con người... khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

 

Tôi cho rằng, khi Hà Nội xây dựng kế hoạch, lập đề án chi tiết thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cần lấy ý kiến các nhà khoa học, người dân, nhất là người dân Hoàn Kiếm. Từ đó, có được trí tuệ, kiến thức, góp ý có giá trị của các thế hệ người dân trước khi đưa ra quyết định.
Nhà sử học Dương Trung Quốc

Trước mắt, TP Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, xây dựng phương án tổng thể và đề án sắp xếp đáp ứng yêu cầu; đồng thời phải phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn tại địa phương; nhất là yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa…

Liên quan đến vấn đề này, ngày 1/8, ông Nguyễn Hữu Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ cho biết, mới chỉ là thông tin ban đầu khi đối chiếu các quy định liên quan tới sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về quy trình, Hà Nội phải xây dựng phương án tổng thể, sau khi được duyệt mới triển khai từng bước cụ thể.

Theo ông Nguyễn Hữu Thành, xét về tiêu chí sắp xếp, ngoài quy mô dân số, diện tích tự nhiên, còn có các yếu tố đặc thù để nghiên cứu xem xét, như: Đơn vị hành chính ổn định từ năm 1945, liên quan đến văn hóa, lịch sử truyền thống, dân tộc... Hiện, việc rà soát mới đánh giá quận Hoàn Kiếm theo tiêu chí dân số, diện tích tự nhiên. Ngoài ra, yếu tố đặc thù (được nêu cụ thể trong Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030) sẽ làm căn cứ để quyết định có sáp nhập hay không.

Hà Nội cần có yếu tố đặc thù khi sắp xếp đơn vị hành chính

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội Tô Anh Tuấn bày tỏ bất ngờ khi tiếp cận thông tin Hà Nội có thể phải sắp xếp đơn vị hành chính, mặc dù thông tin chưa chính thức, Hà Nội còn phải xây dựng kế hoạch, lập đề án chi tiết... Ông Tô Anh Tuấn dẫn chứng: “Mới qua rà soát 2 tiêu chí là diện tích và dân số mà một số địa phương, trong đó có quận Hoàn Kiếm – quận lõi, trung tâm của TP với dấu ấn lịch sử, kinh tế, văn hóa đậm nét, đặc sắc... phải sắp xếp lại thì chưa đầy đủ. Tôi cho rằng, tiêu chí về diện tích và dân số quan trọng nhưng chưa phải là tất cả để có thể sắp xếp lại một đơn vị hành chính cấp quận, huyện, nhất là quận lõi như Hoàn Kiếm”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, giá trị của quận lõi như Hoàn Kiếm không nằm ở vấn đề diện tích mà ở bề dày văn hóa, lịch sử... do vậy, sắp xếp đơn vị hành chính với quận lõi như Hoàn Kiếm vấn đề văn hóa cần quan tâm hàng đầu. Ông cũng đề xuất, quy định T.Ư ban hành cho cả nước, nhưng khi về từng địa phương Hà Nội cần tính toán, bổ sung quy định đặc thù cho phù hợp với địa bàn đặc biệt như quận Hoàn Kiếm.

KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam góp ý, khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính nào cũng cần đánh giá và tính toán trên nhiều góc độ. Quận Hoàn Kiếm rất đặc biệt, có giá trị lịch sử lớn, bao gồm lịch sử hình thành và phát triển của thủ đô Hà Nội, cũng như giá trị kiến trúc đô thị với những phố cổ nổi tiếng, do vậy, khi sắp xếp cần tính toán đến các yếu tố trên nữa, chứ không chỉ vấn đề diện tích, dân số.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng góp ý, khi Hà Nội xây dựng kế hoạch, lập đề án chi tiết có thể vận dụng quy định tại Điều 3, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về các trường hợp không bắt buộc sắp xếp đơn vị hành chính quy định đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng có một trong các yếu tố đặc thù sau đây thì không bắt buộc thực hiện sắp xếp.

Cụ thể, có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi với các đơn vị hành chính liền kề. Có địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định và từ năm 1945 đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào. Có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

 


Sắp xếp đơn vị hành chính là vấn đề người dân rất quan tâm, liên quan đến đời sống người dân, do vậy việc này cần được làm thận trọng, tính toán toàn diện các yếu tố diện tích, dân số, văn hóa, xã hội... Trong đó, chúng tôi mong muốn được đóng góp ý kiến, trí tuệ, hiểu biết, tâm tư, tình cảm để cùng xây dựng địa phương.
Ông Nguyễn Văn Hiệp (Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 1, Đảng bộ phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm)