Trong những tuần qua, nhiều quốc gia như Cộng hòa Czech, Estonia, Phần Lan, Latvia và Litva đã đưa ra ý tưởng áp đặt hạn chế cứng rắn đối với thị thực đi lại và làm việc cho công dân Nga. Estonia cũng là quốc gia đầu tiên ban bố lệnh hạn chế thị thực đối với công dân Nga.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 16/8 đã tuyên bố ông không ủng hộ lệnh cấm đi lại trên toàn EU đối với công dân Nga.
Nhà lãnh đạo Đức từ chối ủng hộ những lời kêu gọi ngày càng tăng đối với lệnh cấm trên toàn EU đối với việc cấp thị thực du lịch với công dân Nga, ngay cả khi một số quốc gia Bắc Âu hành động đơn phương đưa ra các hạn chế về thị thực của họ.
Theo tờ Politico, Hy Lạp và Cộng hòa Síp – quốc gia có đông cộng đồng người nước ngoài nói tiếng Nga cũng có quan điểm tương tự.
Cộng hòa Síp, nơi có khoảng 50.000 người nước ngoài nói tiếng Nga, chủ yếu sống ở Limassol. Du khách Nga hiện chiếm 25% tổng lượng khách du lịch đến hòn đảo này trước xung đột Nga-Ukraine.
“Đó sẽ là một quyết định sai lầm” - ông Kornelios Korneliou, Tổng thư ký Bộ Ngoại giao Síp nói với Politico hôm 19/8.
Theo ông Kornelios Korneliou, sự thống nhất của châu Âu chính là vũ khí quan trọng nhất và tất cả đối tác của Cộng hòa Síp cần tôn trọng sự nhạy cảm về vấn đề này.
Trong khi đó, Hy Lạp chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng 177% trong tháng 7 về lượng khách đến bằng đường hàng không từ Thổ Nhĩ Kỳ so với năm 2019. Đây cũng là năm du lịch kỷ lục của Hy Lạp kể từ sau dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, nước này cũng ghi nhận sự gia tăng lượng du khách đến từ Serbia, trong đó nhiều người là công dân Nga, ước tính khoảng 257%. Giới chức Hy Lạp cho biết nước này sẽ không xem xét việc thay đổi tình trạng thị thực Nga cũng như áp đặt các hạn chế theo đề xuất.
Theo Sputnik, Bồ Đào Nha cũng lên tiếng phản đối đề xuất cấm nhập cảnh của EU đối với khách du lịch Nga, song vẫn sẽ tham gia thảo luận về vấn đề này tại cuộc họp cấp ngoại trưởng của khối vào cuối tháng này.
“Bồ Đào Nha cho rằng các biện pháp trừng phạt đối với Moscow liên quan đến cuộc xung đột quân sự tại Ukraine không nên nhắm vào người dân Nga" - đại diện Bộ Ngoại giao Bồ Đào Nha nói với tờ Economia Online hôm 19/8.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hồi đầu tháng này đã bác bỏ ý kiến cho rằng việc cấp thị thực cho du khách Nga nên được EU giữ nguyên.
EU đã đình chỉ việc đi lại bằng đường hàng không với Nga sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2, nhưng các nước trong khối Schengen vẫn tiếp tục cấp thị thực cho người Nga.
Phát biểu với tờ Deutsche Welle của Đức cuối tuần trước, Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis nêu quan điểm riêng của ông rằng không người Nga nào, bất kể quan điểm của họ về cuộc xung đột quân sự với Ukraine như thế nào được phép vào khu vực Schengen.
Dự kiến, các ngoại trưởng EU sẽ thảo luận về đề xuất này trong một cuộc họp ở Praha vào cuối tháng 8.