Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sau EU, nhóm G7 và Australia chốt mức giá trần với dầu Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhóm G7 và Australia hôm 2/12 nhất trí áp giá trần 60 USD/thùng với dầu của Nga được vận chuyển bằng đường biển, sau khi Liên minh châu Âu (EU) đạt được sự thống nhất về mức giá trần.

Giá dầu Urals của Nga được giao dịch ở mức khoảng 67 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 2/12. Ảnh: AP
Giá dầu Urals của Nga được giao dịch ở mức khoảng 67 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 2/12. Ảnh: AP

Reuters đưa tin, theo tuyên bố của Australia và nhóm G7, mức giá trần này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12 hoặc “ngay sau đó”.

Các quốc gia này cũng tuyên bố sẽ tính đến các động thái “bảo đảm tính hiệu quả của mức giá trần”, nhưng chưa công bố thêm thông tin.

Sáng kiến áp giá trần dầu Nga được đề xuất lần đầu tiên hồi tháng 9 bởi nhóm G7 (nhóm 7 nền công nghiệp phát triển bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italia, Canada, Nhật) nhằm giảm thu nhập của Nga từ việc bán dầu, đồng thời ngăn giá dầu toàn cầu tăng đột biến sau khi lệnh cấm vận của EU đối với dầu thô của Nga chính thức có hiệu lực từ 5/12 tới.

Phương Tây kỳ vọng vào chính sách áp trần giá với dầu Nga

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 2/12 cho biết mức trần giá sẽ làm giảm đáng kể doanh thu của Nga.  “(Mức giá trần) sẽ giúp chúng ta ổn định giá dầu toàn cầu, có lợi cho các nền kinh tế đang phát triển trên khắp thế giới”, chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen viết trên Twitter.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Nguồn: AP
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Nguồn: AP

Bà Ursula von der Leyen nói thêm, mức trần giá sẽ “có thể điều chỉnh theo thời gian” để phù hợp với diễn biến của thị trường năng lượng.

Thỏa thuận giá trần của G7 cấm các công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển, bảo hiểm và tái bảo hiểm cho các lô hàng dầu thô của Nga ở quy mô toàn cầu, trừ khi chúng có mức giá thấp hơn giá trần.

Do hầu hết công ty vận tải và bảo hiểm hàng đầu thế giới được đặt tại các nước G7, thỏa thuận sẽ khiến Nga khó có thể bán dầu với mức giá cao hơn.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết mức trần này sẽ đặc biệt có lợi cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vốn đang phải “gồng mình” chống đỡ giá lương thực và năng lượng tăng cao.

"Mức trần giá với dầu mỏ sẽ ngay lập tức cắt giảm nguồn thu nhập quan trọng nhất của Nga” - Bộ trưởng Yellen nói.

Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ hôm 2/12 nói với Reuters rằng mức trần 60 USD/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga sẽ không tác động nhiều đến thị trường nhiên liệu toàn cầu trong khi vẫn hạn chế nguồn thu của Moscow.

Trước đó, Ba Lan đã nhiều lần phản đối mức giá trần vào khoảng 65-70 USD/thùng và muốn EU phải xem xét một cơ chế điều chỉnh mới nhằm giữ mức trần dưới giá thị trường.

Do đó EU đã đàm phán để đưa ra mức giá trần càng thấp càng tốt nhằm siết chặt doanh thu của Nga và hạn chế khả năng Nga thu lợi từ việc bán dầu để tài trợ cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Giá dầu Urals của Nga được giao dịch ở mức khoảng 67 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 2/12.

Về phần mình, Nga nhiều lần cảnh báo không cung cấp dầu và khí đốt cho các nước áp giá trần với mặt hàng này. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định đây là "hành động trái với các nguyên tắc quan hệ thị trường và có thể gây hậu quả nghiêm trọng với thị trường năng lượng toàn cầu".

Phát biểu với hãng tin Tass hôm thứ Sáu, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Hạ viện Nga nói rằng EU đang gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng của  chính khối này.