Scotland lại muốn ly khai: Nước cờ cao

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Anh Boris Johnson chưa hết vất vả với việc kết thúc thành công quá trình đàm phán với EU về xử lý những thủ tục cần thiết còn lại của Brexit và ứng phó với dịch bệnh Covid-19, thì đã phải trực diện thách thức nội bộ mới khi chính quyền xứ Scotland chủ trương tái khởi động quá trình ly khai.

Năm 2014, cuộc trưng cầu dân ý ở Scotland về xứ này ly khai hay không ly khai Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland đưa lại kết quả là 55% cử tri Scotland không muốn xứ này ly khai. Ông Johnson viện dẫn kết quả trưng cầu dân ý ấy để quả quyết là vấn đề xứ này tách khỏi nước Anh đã được giải quyết dứt điểm.
Nếu không có chuyện Brexit thì đúng như thế thật cả về pháp lý và chính trị ở Anh. Trong cuộc trưng cầu dân ý ở nước Anh về Brexit hồi mùa hè năm 2015, đa số cử tri ở Scotland phản đối Brexit trong khi ông Johnson ủng hộ Brexit.
Như thế có nghĩa là một tình huống mới về pháp lý cũng như chính trị xã hội nội bộ đã xuất hiện ở nước Anh sau Brexit trong vấn đề xứ Scotland ly khai vương quốc Anh mà đại loại có thể hiểu theo hướng hồi năm 2014, đa số cử tri xứ Scotland không muốn Scotland tách khỏi Vương quốc Anh vì muốn ở trong EU và sau khi nước Anh ra quyết định ra khỏi EU thì xứ này muốn tách khỏi Vương quốc Anh để tiếp tục tham gia EU. Cái khó xử đối với ông Johnson chính ở đấy.
Việc làm sống lại chủ trương ly khai xứ Scotland ra khỏi Vương quốc Anh là nước cờ chính trị quyền lực cao tay của thủ hiến xứ Scotland, bà Nicola Sturgeon, và Đảng Dân tộc Scotland đang cầm quyền.
Nếu buộc được ông Johnson chấp nhận để cho tiến hành cuộc trưng cầu dân ý mới về độc lập cho Scotland thì bây giờ rất có thể xứ này sẽ trở thành quốc gia độc lập mới ở châu Âu. Còn nếu ông Johnson kiên quyết không đồng ý thì bà thủ hiến và đảng cầm quyền vẫn được lợi rất nhiều, thậm chí cả rất quyết định nữa, trong cuộc bầu cử nghị viện sắp tới ở Scotland. Xứ Scotland chưa được độc lập thì phe này vẫn duy trì được quyền lực.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần