Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẽ còn xuất hiện những "khủng hoảng Evergrande" khác ở Trung Quốc?

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Evergrande không phải là tập đoàn bất động sản duy nhất và cuối cùng ở Trung Quốc đối mặt với khủng hoảng.

Lo ngại về tác động từ cuộc khủng hoảng nợ của Tập đoàn Evergrande đã đẩy mức chênh lệch lợi suất của Trung Quốc lên mức cao kỷ lục hôm 13/10, vài ngày sau khi tập đoàn tiếp tục bỏ lỡ thời hạn thanh toán trái phiếu USD. Trước đó vào đầu tuần, Evergrande đã “khất” đợt thanh toán lãi suất thứ ba đối với trái phiếu bằng USD trong vòng ba tuần.
Trong dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy các nhà đầu tư toàn cầu lo lắng về dư chấn của cuộc khủng hoảng, mức chênh lệch lợi suất được điều chỉnh theo quyền chọn trên Chỉ số các nhà phát hành doanh nghiệp Trung Quốc có lợi suất cao cao bằng USD (MERACYC) đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là 2.337 điểm cơ bản vào tối 12/10 (giờ Mỹ), trên mức cao kỷ lục 2.069 điểm cơ bản trước đó vào ngày 8/10.  Đáng nói, Evergrande không phải là tập đoàn bất động sản duy nhất và cuối cùng ở Trung Quốc đang chịu khủng hoảng. 
Dữ liệu từ CRIC - một đơn vị nghiên cứu của công ty dịch vụ bất động sản e-House (TQ) Enterprise Holdings - cho thấy tổng doanh số bán hàng của 100 doanh nghiệp bất động sản thuộc top đầu của Trung Quốc trong tháng 9 đã giảm 36% so với cùng thời điểm năm trước. Cụ thể, doanh số của các tập đoàn lớn như China Evergrande, Country Garden Holdings, China Vanke giảm hơn 44%.
 Khu vực gần trụ sở Tập đoàn Evergrande ở Thẩm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Nhiều DN bất động sản trong số này đang vật lộn với nợ lãi trái phiếu đáo hạn.
Ngày 4/10, tập đoàn Fantasia Holdings Group không trả được 206 triệu USD lãi trái phiếu đáo hạn, trước đó có một số đợt hoãn trong tháng 9. Công ty đánh giá tài chính Fitch Ratings đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Fantasia từ B (có rủi ro vỡ nợ, nhưng vẫn còn ở mức an toàn giới hạn) xuống CCC- (có rủi ro tín dụng đáng kể và có nguy cơ vỡ nợ).
Ngày 25/10 tới, Modern Land sẽ đến một đợt trả lãi trái phiếu đáo hạn nữa cho số trái phiếu trị giá 250 triệu USD. Tuy nhiên ngày 12/10, DN này đã phải đề nghị các trái chủ đồng ý hoãn việc này trong ba tháng.
Tập đoàn Sinic Holdings cũng đã bỏ qua hạn thanh toán số lãi 38,7 triệu USD tiền trái phiếu đáo hạn ngày 18/9, đồng thời vừa thừa nhận sẽ không thể trả lãi và gốc cho số trái phiếu trị giá 250 triệu USD đáo hạn ngày 18/10. Sinic Holdings đang chịu khoản nợ 14,2 tỷ USD và cổ phiếu đã bị ngừng giao dịch từ ngày 20/9, hạng tín nhiệm bị hạ từ mức CCC+ xuống còn CC – mức theo công ty xếp hạng tín nhiệm là DN có khả năng tổn thương cao. Tập đoàn này cũng thừa nhận nguy cơ vỡ nợ vào tuần tới.
Theo số liệu của công ty dữ liệu thị trường tài chính Refinitiv, trong năm 2022, các DN bất động sản Trung Quốc đến hạn phải trả lãi cho khoản hơn 101 tỷ USD tiền trái phiếu đã phát hành.
Ngày 8/10, trái phiếu của 24 trong số 59 hãng bất động sản của Trung Quốc trong chỉ số ICE BofA về trái phiếu doanh nghiệp châu Á bằng đồng USD được giao dịch với mức lợi suất trên 20%, cho thấy rủi ro vỡ nợ rất lớn.
Hiện các tập đoàn, công ty bất động sản Trung Quốc đang phải đối mặt với khoản nợ kinh hoàng hơn 5.200 tỷ USD, theo các nhà kinh tế tại công ty tài chính Nomura (Nhật Bản). Khoản nợ phình gấp đôi kể từ cuối năm 2016. Các khoản vay ngân hàng chiếm nhiều nhất, 46%. Trái phiếu chiếm khoảng 10%, trong đó có 217 tỷ USD trái phiếu USD và phần nhiều là trái phiếu rủi ro cao.