Cần đánh giá rõ tác động của dịch Covid-19
Trong phần I “đánh giá kết quả thực hiện…” nằm ở phần thứ nhất của báo cáo, dự thảo viết “Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,39%, đạt mục tiêu đề ra (từ 7,3 - 7,8%), cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (6,93%); năm 2020, quy mô GRDP ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng, khoảng 45 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, bằng 1,8 lần cả nước…” cần bổ sung các biểu bảng, đồ thị để so sánh các kết quả của nhiệm kỳ 2015 - 2020 với nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Khi đánh giá kết quả thực hiện của các ngành dịch vụ, du lịch, công nghiệp, xây dựng, nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng cần được minh họa bằng các đồ thị, bảng biểu. Điều này giúp cho người đọc sẽ hình dung hơn sự đóng góp của các ngành kinh tế đối với sự phát triển chung của Hà Nội. Nhìn biểu đồ tốc độ tăng trưởng của các ngành kinh tế mũi nhọn sẽ giúp cho người đọc hình dung được sự ưu tiên cho các lĩnh vực, ngành nghề có cơ hội phát triển nhanh trong thời gian tới. Đó cũng là cơ sở để chúng ta phân tích sâu hơn về xu thế kinh tế thế giới và ưu thế của Hà Nội để phân loại DN theo nhóm, theo ngành nghề ưu tiên. Tạo động lực và tìm giải pháp hỗ trợ DN trước các đối thủ cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
Về bình quân giai đoạn 2016 - 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn Hà Nội (GRDP) ước tăng 7,39%, đạt mục tiêu đề ra (từ 7,3 - 7,8%) như vậy tuy đạt kế hoạch nhưng vẫn nằm ở cận dưới. Vậy cần tập trung phân tích điều gì đã ảnh hưởng đến tăng trưởng bình quân? Chương II “Đánh giá tổng quát”, dự thảo viết “Kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển, đạt mức tăng trưởng khá, cao hơn bình quân chung cả nước…” có một số người cho rằng “đây là một đánh giá khiêm tốn, bởi thực tế mức tăng trưởng bình quân trên 7% trong 5 năm qua là mức tăng trưởng cao và có đóng góp quan trọng với tăng trưởng của cả nước. Hà Nội phải khẳng định là một trung tâm kinh tế, là đầu tàu của cả khu vực, do vậy báo cáo chính trị cần đánh giá sâu hơn và thỏa đáng hơn vấn đề này”.
Nhưng với góc độ toán học, tôi cho rằng đây là đánh giá chính xác của ban soạn thảo, bởi với nhiều lợi thế có được, tăng trưởng của Hà Nội cao hơn tăng trưởng bình quân của cả nước là điều đương nhiên. Để đánh giá chính xác về vấn đề này chúng ta cần lấy tiêu chí mục tiêu mà Đại hội XVI đề ra, có tham chiếu với các TP lớn trong cả nước khác như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng…
Hà Nội vừa trải qua những ngày tháng không quên của đại dịch Covid-19. trong bối cảnh thế giới và khu vực. Sức bền của DN Hà Nội và kinh tế Thủ đô khi vẫn duy trì tăng trưởng trên 3%... vậy báo cáo cần bổ sung đánh giá việc huy động mọi nguồn lực khi TP cần; nhấn mạnh mối quan hệ chuyển hóa giữa nguy cơ và thời cơ trong bối cảnh mới. Nhất là khi bối cảnh kinh tế khu vực, châu Á và thế giới đang có nhiều thay đổi, diễn biến phức tạp.
Mục tiêu phấn đấu
Trong phần 2 “Mục tiêu, nhiệm vụ và những trọng tâm phát triển Thủ đô giai đoạn 5 năm 2020 - 2025” dự thảo có đoạn “Phấn đấu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội trở thành TP “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế. Hà Nội trở thành TP công nghiệp hóa - hiện đại hóa hoàn chỉnh; TP thông minh; GRDP/người đạt 12.000 - 13.000 USD”.
Tôi tán thành mục tiêu “ Phấn đấu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội trở thành TP “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, nhưng không khỏi boăn khoăn khi thấy thứ tự của các tiêu chí “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Về cơ bản đô thị văn minh - hiện đại đã bao hàm “xanh”, đưa tiêu chí này tách riêng và đưa lên vị trí đầu tiên dễ để người đọc phân vân, suy nghĩ. Ban soạn thảo nên nghiên cứu để thay đổi vị trí tiêu chí này hoặc chỉ cần “Phấn đấu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội trở thành TP “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, là đã đầy đủ.
Chúng tôi hy vọng với góc nhìn của mình đóng góp được thêm những ý kiến để ban soạn thảo cân nhắc và có bản báo cáo chính thức ngắn gọn, súc tích thể hiện được ý chí của Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô trong chặng đường sắp tới.