RT đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Serbia Milos Vucevic ngày 12/4 cho biết thông tin nói rằng nước này đã đồng ý cung cấp vũ khí cho Ukraine là điều "dối trá".
Ông Vucevic tuyên bố: “Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định và một lần nữa nhấn mạnh rằng Serbia không cung cấp bất kỳ vũ khí nào cho cả Ukraine và Nga kể từ khi xảy ra xung đột. Và chắc chắn điều này sẽ vẫn được duy trì trong tương lai”.
Theo người đứng đầu ngành quốc phòng Serbia, rõ ràng cáo buộc này nhằm gây bất ổn đối với Serbia. “Chúng tôi vẫn nhất quán với chính sách đối ngoại không can dự vào cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine” – Bộ trưởng Vucevic nói thêm.
Tuyên bố trên được quan chức Serbia đưa ra sau khi Reuters trích dẫn tài liệu mật bị rò rỉ của Lầu Năm Góc nói rằng Serbia - quốc gia duy nhất ở châu Âu từ chối áp lệnh trừng phạt đối với Nga, đã âm thầm đồng ý cung cấp vũ khí cho Kiev hoặc đã gửi chúng đi.
Trước đó cùng ngày, Reuters cho biết, tiết lộ trên nằm trong tài liệu tóm tắt phản ứng của các chính phủ châu Âu đối với những yêu cầu của Ukraine huấn luyện quân sự, viện trợ sát thương và vũ khí.
Các tài liệu mật này đã bị đăng tải trên các trang mạng xã hội trong thời gian gần đây và là một trong những vụ rò rỉ thông tin tình báo nghiêm trọng nhất của Mỹ trong nhiều năm qua.
Với tiêu đề “Châu Âu - Ứng phó với xung đột Nga – Ukraine đang diễn ra”, tài liệu này được thực hiện dưới dạng biểu đồ liệt kê, đánh giá 38 chính phủ châu Âu trước yêu cầu hỗ trợ quân sự của Ukraine.
Biểu đồ cho thấy Serbia từ chối huấn luyện cho các lực lượng Ukraine nhưng đã cam kết gửi viện trợ vũ khí sát thương hoặc đã cung cấp viện trợ vũ khí sát thương cho Kiev. Tài liệu cũng tiết lộ Serbia có ý chí chính trị và khả năng quân sự để cung cấp vũ khí cho Ukraine trong tương lai.
Tài liệu được đề ngày 2/3 và đóng dấu của Văn phòng Tham mưu trưởng Liên quân. Tất cả đều có dấu “Mật” và “NOFORN”, theo đó cấm phân phát cho các cơ quan tình báo và quân đội nước ngoài.
Áo và Malta là 2 quốc gia được đánh dấu "Không" trong cả bốn mục.
Biểu đồ liên quan đến Serbia được tiết lộ hơn 1 tháng sau khi tài liệu đăng tải trên Telegram cho thấy chuyến hàng của một nhà sản xuất vũ khí Serbia gồm tên lửa Grad 122mm tới Kiev vào tháng 11/2022. Các tài liệu cũng bao gồm bản kê khai lô hàng và chứng nhận người dùng cuối của chính phủ Ukraine.
Lầu Năm Góc cũng chưa lên tiếng về tài liệu liên quan đến Serbia cũng như các tài liệu bị rò rỉ khác. Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra vụ rò rỉ, trong khi Lầu Năm Góc đang đánh giá thiệt hại của vụ việc này đối với an ninh quốc gia.
Chính phủ của Tổng thống Aleksandar Vucic bày tỏ quan điểm trung lập về xung đột Nga-Ukraine, bất chấp mối quan hệ lịch sử, kinh tế và văn hóa sâu sắc với Nga.
Trước đó, hồi đầu tháng 3, kênh Telegram xuất hiện các tài liệu mật về việc Krusik - nhà sản xuất vũ khí của Serbia có gửi chuyến hàng gồm tên lửa đất đối đất Grad 122mm tới Kiev vào tháng 11/2022. Các tài liệu bao gồm một bản kê khai lô hàng và giấy chứng nhận người dùng cuối (EUC) của chính phủ Ukraine.
Ngay sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moscow đã yêu cầu Belgrade đưa ra lời giải thích chính thức về các cáo buộc về hoạt động chuyển giao trên.
Tuy nhiên, nhà sản xuất vũ khí Krusik đã từ chối cung cấp tên lửa hoặc vũ khí khác cho Ukraine. Trong khi đó, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic gọi những cáo buộc là “lời nói dối khét tiếng”.
“Chúng tôi không xuất khẩu bất kỳ vũ khí hay đạn dược nào sang Nga hay Ukraine” – Tổng thống Vucic khẳng định trong chuyến thăm Qatar ngày 5/3.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra từ cuối tháng 2/2022, chính phủ ông Vucic tuyên bố trung lập về cuộc chiến này, khi cố gắng cân bằng mối quan hệ chặt chẽ với Moscow, cũng như mục tiêu gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Serbia cũng là quốc gia duy nhất trong số 44 nước châu Âu kiên quyết từ chối áp đặt trừng phạt đối với Nga.