Siết chặt đào tạo sinh viên sư phạm

Trung Anh (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ giáo viên bạo hành trẻ khiến dư luận vô cùng phẫn nộ.

Đâu là nguyên nhân và giải pháp để chấm dứt tình trạng này? Bà Dương Thị Hồng - nguyên giảng viên Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là ĐH Hà Nội) cho rằng, trước hết ngành giáo dục cần xem xét lại cách thức đào tạo sinh viên sư phạm, đặc biệt là sư phạm ngành mầm non. Thực tế, việc đào tạo hiện nay còn nặng về lý thuyết, chưa chú trọng khả năng thực hành, xử lý tình huống dạy và chăm sóc trẻ.

Nói về nguyên nhân gần đây xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ, theo cô Hồng, do tình trạng nhóm lớp mầm non nhỏ lẻ mọc lên ngày càng nhiều khiến cơ quan quản lý Nhà nước không thể kiểm soát hết. Những vụ bạo hành đối với trẻ không chỉ xảy ra tại cơ sở mầm non tư thục có đội ngũ giáo viên không được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng mà còn diễn ra ở cơ sở có giáo viên đã qua trường lớp đào tạo. Điều đó cho thấy, công tác đào tạo giáo viên mầm non còn nhiều bất cập, thường các cơ sở chỉ chú trọng đào tạo để cấp bằng chứ chưa chú trọng đào tạo để có được giáo viên đạt chuẩn về trình độ, kỹ năng cũng như đạo đức nhà giáo.

"Tôi đã từng được tham quan, trải nghiệm cơ sở giáo dục ở một số nước và được biết, ở họ, việc tuyển dụng giáo viên vô cùng chặt chẽ. Đối với nhà trường, nếu sinh viên không có đủ trình độ, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng chăm sóc trẻ, nhà trường sẽ không cấp bằng tốt nghiệp. Trong khi đó, những năm gần đây chúng ta lại đào tạo ngành sư phạm một cách tràn lan" - cô Hồng nhấn mạnh. Vì vậy, ngành giáo dục, cụ thể là Bộ GD&ĐT cần phải có những điều chỉnh, siết chặt ngành đào tạo mầm non, nâng cao trình độ, tăng cường giáo dục đạo đức cho sinh viên…

Ngoài ra, để ngăn chặn tình trạng bạo hành, ngược đãi trẻ, cần có chế tài xử phạt nghiêm, đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương phải quản lý chặt chẽ, những cơ sở không đủ điều kiện kiên quyết không được cấp phép hoạt động.