Cụ thể, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT ngày 14/3/2017 về tăng cường quản lý ATVSTP đối với sản xuất, kinh doanh rượu; Chỉ thị số 03/CT-BCT ngày 28/3/2017 về tăng cường quản lý hóa chất độc hại bị lạm dụng trong bảo quản, chế biến thực phẩm, trong đó, tập trung vào công tác quản lý, kiểm soát việc sử dụng sai mục đích đối với cồn công nghiệp, hóa chất và methanol. Bộ cũng đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) 63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với sản phẩm rượu do dân tự nấu, tự pha chế, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nấu thủ công, đặc biệt là ở những địa bàn trọng điểm.
Để thực hiện tốt hơn nữa vai trò quản lý nhà nước đối với mặt hàng rượu, tạo lập thị trường rượu phát triển lành mạnh, năm 2017, Bộ Công Thương đã ban hành Nghị định số 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu, thay thế Nghị định số 94/2012/NĐ-CP. Nghị định mới đã có nhiều thay đổi, bổ sung nội dung quản lý đối với rượu người dân tự nấu để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc rượu. Đồng thời, quy định cụ thể các điều kiện đối với thương nhân phân phối, bán buôn, bán lẻ và đặc biệt là hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ. Cụ thể, kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh hay để bán cho DN phải có giấy phép hoặc phải đăng ký với UBND cấp xã...Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trong đó tăng cường trinh sát, đề xuất kiểm tra đột xuất đối với các đối tượng có dấu hiệu sử dụng hóa chất, cồn công nghiệp và methanol trong bảo quản, chế biến thực phẩm, đặc biệt là pha chế rượu bằng cồn công nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng người tiêu dùng.