Số phận các doanh nghiệp phương Tây còn ở lại Nga

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo trang tin tức Novaya Gazeta Europe, 100 công ty phương Tây lớn nhất vẫn đang hoạt động ở Nga đã công bố lợi nhuận ròng tổng cộng 1,1 nghìn tỷ rúp (13,3 tỷ USD) trong năm 2022.

Lãi lớn

Kết quả được công bố hôm 8/6, dựa trên báo cáo tài chính của các pháp nhân đã đăng ký tại Nga, thuộc sở hữu hoàn toàn hoặc một phần của nước ngoài, đánh dấu mức tăng 54% so với năm 2021.

Ước tính sau khi chiến sự nổ ra tại Ukraine, hơn 1.300 DN phương Tây tiếp tục hoạt động ở Nga, hơn 700 công ty đang tạm dừng hoạt động và 241 công ty đã hoàn toàn rời khỏi đất nước.

Tập đoàn năng lượng TotalEnergies của Pháp vẫn duy trì các khoản đầu tư vào Nga mặc dù đã rút một số tài sản. Tập đoàn này đã tăng gấp đôi lợi nhuận ròng lên 269 tỷ rúp (3,2 tỷ USD).

Ngân hàng Raiffeisen của Áo - một trong những ngân hàng lớn cuối cùng của phương Tây còn cho vay ở Nga - đã tăng gần gấp 4 lần lợi nhuận ròng lên 141 tỷ rúp (1,7 tỷ USD).

Cũng theo Novaya Gazeta Europe, 10 DN phương Tây có thu nhập cao nhất ở Nga bao gồm PepsiCo, British Petroleum, Japan Tobacco, Mondelez International (trước đây là Kraft Foods), Mars, "gã khổng lồ" ngành đóng gói Mondi, Kia và công ty vật liệu xây dựng đa quốc gia Knauf.

Các công ty phương Tây đã nộp 288 tỷ rúp (3,5 tỷ USD) tiền thuế thu nhập doanh nghiệp vào năm ngoái, đóng góp 1% vào thu ngân sách của Nga. Các công ty Pháp, Anh và Mỹ nộp thuế nhiều nhất, tương ứng là 55 tỷ, 47 tỷ và 40 tỷ rúp.

Trong khi đó, trang tin RBC của Nga dẫn báo cáo cho biết nước này đã sung công 20 tỷ rúp (250 triệu USD) vào ngân sách của mình từ các DN nước ngoài đã rời khỏi nước này trong hơn 4 tháng đầu năm nay.

Để đối phó với làn sóng trừng phạt của phương Tây, kể từ tháng 12 năm ngoái, Ủy ban đầu tư nước ngoài của Nga đã tính thuế xuất cảnh đối với các công ty nước ngoài với tổng trị giá 10% giá trị thương vụ. Khoản quyên góp trực tiếp này được gửi vào kho bạc nhà nước Nga.

Nektorov Ilya Rachkov, chuyên gia của công ty luật Saveliev & Partners, bình luận với Financial Times: "Sự khác biệt chính giữa các quy tắc mới và các quy tắc trước đó là các DN không còn lựa chọn nào khác". Trên thực tế, quy định này của Moscow đã khiến các DN đi hay ở đều hứng chịu chỉ trích rằng đang "tài trợ" cho chiến dịch của Nga ở Ukraine.

Rời đi chưa hẳn là nhân đạo

Michael Harms - giám đốc điều hành của Hiệp hội doanh nghiệp phía Đông Đức - nói rằng các công ty thực sự đang bị lạc nơi "tam giác quỷ Bermuda" bởi các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nga.

"Giải pháp là họ (các DN phương Tây ở Nga) cần phải tìm một đối tác không bị phương Tây trừng phạt" - Harms nói với hãng thông tấn AP.

Thuế xuất cảnh 10% do Nga quy định cũng đặc biệt phức tạp. Giải thích thêm về vấn đề này, Maria Shagina - một chuyên gia về trừng phạt tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Berlin - lưu ý rằng các công ty Mỹ sẽ phải được Bộ Tài chính Mỹ cho phép thanh toán, nếu không sẽ là vi phạm lệnh trừng phạt của Washington.

Kết quả, bất chấp các rào cản trừng phạt, hàng trăm công ty đã quyết không rời đi.

Trong một lời giải thích thẳng thắn hiếm hoi, Steffen Greubel - Giám đốc điều hành của công ty vận chuyển Metro AG của Đức, cho biết tại cuộc họp cổ đông năm nay rằng công ty lên án chiến tranh nhưng quyết định ở lại là bởi trách nhiệm đối với 10.000 nhân viên địa phương, và "cũng vì lợi ích của việc bảo tồn giá trị của công ty cho các cổ đông".

Công ty Bayer AG của Đức, chuyên cung cấp thuốc men, hóa chất nông nghiệp và hạt giống, cũng lập luận rằng tiếp tục kinh doanh ở Nga là một bước đi đúng đắn.

Công ty cho biết trong một thông cáo: "Việc ngừng cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và chăm sóc sức khỏe thiết yếu đối với dân thường - như điều trị ung thư hoặc tim mạch, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai và trẻ em, cũng như hạt giống để trồng lương thực - sẽ chỉ làm tăng thêm thiệt hại do cuộc chiến đang diễn ra đối với cuộc sống con người".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần