Quy chế này cần thông tin minh bạch, có sự tham gia của người dân, nhà khoa học để khi triển khai các dự án, chính quyền cần thực hiện đối thoại với người dân. Đây là một trong những quan điểm của chuyên gia quy hoạch đô thị đưa ra tại Diễn đàn “Quy hoạch đô thị ven sông Hồng - Chuyên đề II: Điểm sáng phía Đông Hà Nội” do tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức ngày 25/10.
Cách tiếp cận mới, quy hoạch có tính khả thi cao
Hơn 10 năm trước, TP Hà Nội với sự phối hợp của các nhà tư vấn Hàn Quốc đã tính đến việc quy hoạch sông Hồng theo mô hình của Hàn Quốc từng làm nên kỳ tích sông Hàn với mong muốn người Việt Nam có thể làm nên kỳ tích sông Hồng. Tuy nhiên, ý tưởng quy hoạch sông Hồng thời điểm đó theo hướng phát triển đại đô thị chạy dọc hai bên sông đã không được giới chuyên gia và người dân ủng hộ.
Theo KTS Phạm Thị Nhâm - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), với bản Quy hoạch phân khu sông Hồng mới được TP Hà Nội thông qua, hoàn toàn phù hợp, có tính khả thi cao với cách tiếp cận theo hướng phát triển không chất tải, dồn nén các công trình cao tầng, mật độ cao, kết cấu hạ tầng lớn lên hai bờ sông mà tích hợp hài hòa các giải pháp về yếu tố kỹ thuật, xã hội, không gian sinh thái, biến không gian hai bên bờ sông thành lõi xanh của Thủ đô.
“Quy hoạch sông Hồng được thông qua, trở thành dấu mốc lịch sử, từng bước để TP Hà Nội mạnh dạn phát triển vượt qua sông Hồng, thực sự trở thành một đô thị lớn, xứng tầm một trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hoá, khoa học của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc” - bà Phạm Thị Nhâm đánh giá.
Với vai trò của những người làm bất động sản, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Nguyễn Văn Đính cũng cho rằng, bản quy hoạch phân khu sông Hồng vừa được TP Hà Nội phê duyệt có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.
"Có quy hoạch thì mới tạo ra việc sử dụng đất có hiệu quả, tạo ra các khu kinh tế và hệ thống hạ tầng xã hội. Việc hiện thực hóa các quy hoạch mang đến ý nghĩa về phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển các hệ thống bất động sản" - ông Nguyễn Văn Đính cho hay.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Đỗ Viết Chiến cho rằng, Quy hoạch phân khu sông Hồng là một trong những bước tiến lớn của Hà Nội và phải tổ chức triển khai ngay. Nhưng hiện nay mới dừng ở mức công bố quy hoạch. Nếu không triển khai nhanh, quỹ đất ven sông, nguồn lực để nuôi đô thị sẽ bị triệt tiêu.
Lấy ví dụ, ông Đỗ Viết Chiến cho hay, hiện nay, bãi Tứ Liên (quận Tây Hồ) đã thành khu đô thị tự phát. “Do đó, việc cần làm ngay là lập hồ sơ và cắm mốc ngoài thực địa và giao cho chính quyền địa phương quản lý từng khu vực” - ông Đỗ Viết Chiến khuyến nghị.
Chú trọng hình thành các trọng điểm kinh tế mới
Nhằm đảm bảo triển khai quy hoạch vào thực tiễn, bà Phạm Thị Nhâm cho rằng, quan trọng nhất cần Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc hai bên bờ sông, tránh những tác động không theo quy hoạch. Quy chế này cần thông tin minh bạch, có sự tham gia của người dân, nhà khoa học để khi triển khai các dự án, chính quyền cần thực hiện đối thoại với người dân.
Về quan điểm quản lý và phát triển khu vực quy hoạch dọc hai bên bờ sông Hồng, bà Phạm Thị Nhâm cho rằng cần dựa trên nguyên tắc phát triển bền vững, với 3 yếu tố quan trọng.
Thứ nhất, tôn trọng thiên nhiên. Sông Hồng là con sông chính tạo lập nên vùng châu thổ sông Hồng, nơi ngụ cư của trên 20 triệu dân từ nghìn đời. Lũ lụt trên sông Hồng ngày nay không còn là nỗi lo âu hàng năm bởi đã có hệ thống đê điều và các thủy điện lớn. Tuy nhiên, để thích ứng với biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, đòi hỏi đô thị hóa hai bên sông Hồng cần phải tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng dòng chảy của con sông, hạn chế bê tông hoá, không chất tải các hạ tầng lớn ở ven sông.
Phát triển cảnh quan hai bên sông trở thành chuỗi các công viên, vườn hoa lớn, vùng nông nghiệp sinh thái giữa lòng TP, gắn với con đường thân thiện, với cây xanh, mặt nước cho người đi bộ và xe đạp. Đặc biệt, thiết kế đô thị đối với hệ thống đê điều để người dân từ các phố phường trong nội thành tiếp cận dễ dàng với dòng sông; tổ chức mạng lưới quảng trường mở, không gian tụ hội dành cho các lễ hội âm nhạc, thời trang, sự kiện văn hóa, sự kiện giao lưu quốc tế lớn của quốc gia và cư dân TP.
Thứ hai, tôn vinh văn hoá - lịch sử. Sông Hồng khởi nguyên cho nền văn minh lúa nước của dân tộc Việt, kiến tạo nên Thăng Long - Hà Nội hơn 1000 năm văn hiến. Xuôi theo dòng chảy của sông Hồng chứng kiến các ký ức lịch sử của quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Đô thị hóa hai bên sông Hồng trên địa bàn Hà Nội cần phải tôn vinh các giá trị văn hóa; thiết lập không gian cảnh quan kết nối, bảo vệ các di tích lịch sử từ thời tiền sử như: Dấu tích Sơn Tinh - Thủy Tinh, Hai Bà Trưng, An Dương Vương, Kinh Dương Vương, Chử Đồng Tử…
Các di sản văn hóa định cư của người Việt còn lưu giữ lại ở những làng ven sông Hồng, cùng với đó, tạo dựng thêm giá trị văn hóa mới, hiện đại, thân thiện trong mỗi công trình mới, mỗi khu vực đô thị mới. Cái cũ và cái mới phát triển tiếp nối, cộng sinh trong không gian sinh thái gắn với dòng chảy sông Hồng.
Cuối cùng, quy hoạch góp phần nâng cao vị thế Thủ đô Hà Nội, cạnh tranh với thủ đô các nước ASEAN, khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Xu hướng mở rộng không gian đô thị Hà Nội về phía Đông hướng ra biển lớn là tất yếu, nhằm khẳng định vị thế Thủ đô, nâng cao sức cạnh tranh Hà Nội với Thủ đô các nước trong khu vực.
Lãnh đạo Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn quốc gia đánh giá, Quy hoạch sông Hồng là cơ hội để Hà Nội nỗ lực phát huy tiềm năng tích tụ kinh tế công nghiệp - dịch vụ quy mô lớn, kết nối với kinh tế hàng hải (TP Hải Phòng) và hành lang kinh tế Quốc lộ 5, Quốc lộ 18 cho tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế. Sông Hồng không chỉ là trục cảnh quan mà còn là trục giao thông thủy nội vùng, trục xương sống để kết nối với hệ thống đường thuỷ trong toàn bộ hệ thống đồng bằng sông Hồng, hướng ra biển Đông.
Chính vì vậy, việc lựa chọn dự án đầu tư xây dựng hai bên bờ sông Hồng cần chú trọng hình thành các trọng điểm kinh tế mới, thay vì lựa chọn chức năng nhà ở thuần túy. Không gian chức năng đô thị hai bên sông và cây cầu kết nối qua sông đều phải là những biểu tượng mới về kiến trúc cảnh quan đô thị xanh, thông minh, hiện đại.
Đồng thời, phải là những điểm sáng của trung tâm mới về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ tạo nên đòn bẩy, cú hích đột phá, phát triển. Hà Nội thực sự trở thành cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng Bắc Bộ và thực hiện Chiến lược đổi mới nền kinh tế quốc gia, cạnh tranh toàn cầu.