Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sơn La: hiệu quả kinh tế cao từ cây mắc ca

Hiền Lương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc hình thành chuỗi liên kết phát triển, sản xuất mắc ca tại Sơn La đã giúp doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương.

Sơn La phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh trồng khoảng 5.000 ha cây mắc ca, thu hút đầu tư một nhà máy chế biến hạt mắc ca có quy mô, công suất, đáp ứng nhu cầu chế biến mắc ca của tỉnh. Đến năm 2030, toàn tỉnh trồng khoảng 10.000 ha cây mắc ca.

Tỉnh Sơn La chú trọng phát triển cây mắc ca.
Tỉnh Sơn La chú trọng phát triển cây mắc ca.

Thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển cây mắc ca, từ năm 2018, huyện Quỳnh Nhai được chọn làm điểm triển khai trồng thử nghiệm mắc ca. Đến nay, cây mắc ca đang được nhân rộng tại nhiều xã, bản, phủ xanh đồi đất trống, tạo sinh kế cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn, với tổng diện tích trên 305 ha. Trung bình 1 ha đang cho thu hoạch từ 7,5 - 8 tấn quả tươi; giá bán 70 nghìn đồng/kg quả loại 1; 30 nghìn đồng/kg quả loại 2, mang lại nguồn thu nhập cao cho người trồng mắc ca.

Huyện Mai Sơn hiện có khoảng 500 ha cây mắc ca, tập trung chủ yếu ở các xã Hát Lót, Chiềng Dong, Chiềng Ve, Nà Ớt, Phiêng Cằm... Những năm qua, huyện Mai Sơn đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động các chủ rừng, hộ gia đình, hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp trồng cây mắc ca, vừa phát triển trồng rừng, vừa tạo sinh kế cho nông dân. Đồng thời, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng mắc ca; áp dụng các cơ chế, chính sách phù hợp thu hút các doanh nghiệp liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, chế biến; hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Huyện Sốp Cộp có 81,5 ha trồng cây mắc ca, trong đó 60 ha đang cho quả bói vụ đầu tiên, quả mắc ca sẽ thu hoạch từ cuối tháng 8 đến hết tháng 10 hằng năm. Theo ông Vì Văn Định, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, mắc ca là cây lâu năm cho hạt có giá trị kinh tế cao, có thể phát triển thành cây trồng rừng và trồng che bóng cho một số loại cây thấp tán như cà phê, chè, cây dược liệu.

Ông Định cho biết, thực hiện kế hoạch phát triển cây mắc ca giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn huyện, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện rà soát diện tích đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất trồng kém hiệu quả để tuyên truyền, khuyến khích nhân dân chuyển đổi sang trồng cây mắc ca. Phối hợp với các doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ, liên kết với các hộ dân phát triển thành vùng nguyên liệu gắn với cam kết tiêu thụ, chế biến sản phẩm mắc ca.

Tại huyện Thuận Châu, diện tích trồng cây mắc ca đạt gần 300 ha tại các xã Mường É, Phổng Lái, Phổng Lập, Púng Tra, Chiềng La, Nậm Lầu... Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Thuận Châu Lò Văn Thỏa, cây mắc ca phát triển tốt trên những diện tích đất đồi ở Thuận Châu. Đến nay, hơn 100 ha đã bắt đầu cho thu hoạch, sản lượng trung bình 5-7 tấn/ha, giá bán 35.000-40.000 đồng/kg quả tươi, bước đầu mang lại thu nhập từ 100-150 triệu đồng/ha/năm, hứa hẹn là cây trồng đem lại nguồn sinh kế bền vững cho nông dân.

Hiện nay, các sở, ban, ngành của tỉnh Sơn La đang tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 253-KL/TU, phát triển cây mắc ca thận trọng, bài bản, có lộ trình. Bên cạnh đó, hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác đầu tư phát triển mắc ca hoàn thiện các thủ tục về đất đai; hoàn chỉnh hồ sơ giao đất cho doanh nghiệp đối với diện tích nằm ngoài quy hoạch rừng phòng hộ và đất rừng sản xuất…