Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện kinh tế quốc tế nổi bật trong năm 2017

Ngọc Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2017 là một năm biến động của kinh tế toàn cầu. Mặc dù kinh tế thế giới đã có tín hiệu lạc quan, nhưng xu hướng bảo hộ thương mại lại gia tăng.

Tăng trưởng mạnh nhất kể từ 2010

Trong năm 2017, các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đều phát đi nhiều tín hiệu khả quan, trong đó đáng chú ý Nhật Bản đã trải qua thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong hơn một thập niên. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên 3,6% trong năm 2017 và 3,7% năm 2018, mức tăng trưởng cao nhất trong 8 năm trở lại đây. Các thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt khởi sắc, điển hình là thị trường chứng khoán Mỹ liên tục phá vỡ các kỷ lục, trong đó chỉ số Dow Jones lần đầu tiên trong lịch sử vượt đỉnh 24.000 điểm. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 cũng lập kỷ lục tăng 16 ngày liên tiếp lên mức cao nhất trong 21 năm là 21.805,17 điểm vào ngày 24/10/2017. 

APEC 2017 thành công, cam kết theo đuổi thương mại tự do

 Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng, Việt Nam.

Hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại Việt Nam từ ngày 6 - 11/11 đã thành công tốt đẹp với việc lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên nhất trí thông qua Tuyên bố Đà Nẵng về tạo động lực mới cùng vun đắp tương lai chung. Trong bối cảnh sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và xu hướng song phương trong thương mại, Tuyên bố Đà Nẵng được cho là một thắng lợi lớn của thương mại tự do khi các nhà lãnh đạo APEC thể hiện sự ủng hộ tập thể mạnh mẽ đối với "hệ thống thương mại đa phương" cũng như việc kêu gọi thực hiện đầy đủ bộ quy tắc được Tổ chức Thương mại Thế giới WTO đề ra. Đây được cho là điều kiện tiên quyết giúp mang lại những lợi ích to lớn và có ý nghĩa quan trọng cho mọi nền kinh tế và DN.

TPP-11 đạt được thỏa thuận, đổi tên thành CPTPP

 Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi.
Đây là một trong những điểm sáng năm qua trong bối cảnh xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút nước này khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Nhật Bản đã đi đầu nỗ lực nhằm cứu vãn TPP.

Tháng 11/2017, bên lề tuần lễ cấp cao APEC 2017, các Bộ trưởng phụ trách kinh tế của 11 quốc gia thành viên TPP đã thống nhất tên gọi mới cho TPP là: Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tuyên bố chung về CPTPP sau đó khẳng định Hiệp định mới sẽ giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số nghĩa vụ để đảm bảo sự cân bằng trong bối cảnh mới.

Bitcoin và cơn sốt tiền ảo

 Giá Bitcoin "nhảy múa" trong năm 2017.

Năm 2017, chứng kiến sự "nhảy múa" của giá Bitcoin khi liên tục tăng hơn 1000% giá trị sau hơn 16 lần tăng giá, đáng chú ý Bitcoin đã tiếp cận ngưỡng 20.000 USD vào ngày 17/12, nhưng sau đó lao dốc mạnh và mất 20% giá trị. Tính đến 27/12, giá trị Bitcoin đã giảm xuống dưới mức 11.000 USD, khiến các hợp đồng Bitcoin tương lai cũng chung số phận. Tâm lý bi quan đang bao trùm toàn thị trường khi không chỉ Bitcoin mà 10 đồng tiền kỹ thuật số hàng đầu thế giới khác cũng cùng chung xu hướng giảm giá, trong đó mức giảm mạnh nhất thuộc về Bitcoin cash và Iota. Khi các nhà phân tích chưa thể đưa ra lý do cụ thể đằng sau sự biến động khó lường của Bitcoin, việc đồng tiền này tăng giá hoàn toàn dựa vào niềm tin của nhà đầu tư, và một khi niềm tin này thay đổi có lẽ sẽ là thời điểm bong bóng Bitcoin phát nổ.

Xu hướng bảo hộ thương mại có chiều hướng gia tăng

 Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút khỏi TPP.

Nền kinh tế thế giới trong năm 2017 đã chứng kiến xu hướng gia tăng của các chính sách bảo hộ thương mại và chống toàn cầu hoá. Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đặt mục tiêu “Nước Mỹ trước tiên”, trong đó coi chính sách bảo hộ là biện pháp tất yếu nhằm đối phó với tình trạng thâm hụt thương mại hiện đang lên tới 500 tỷ USD mỗi năm. Đồng thời, Mỹ cũng xem xét lại một loạt các hiệp định thương mại quốc tế, điển hình như quyết định rút lui khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), yêu cầu tái đàm phán các điều khoản thuộc Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc. Còn tại châu Âu, dư chấn của việc Anh rời EU - còn gọi là Brexit bắt đầu lan rộng. Nhiều đảng chính trị có xu hướng bảo hộ như đảng Mặt trận quốc gia (Pháp), đảng Sự lựa chọn cho nước Đức (Đức), đảng Tự do cực hữu (Áo) lần lượt giành được chỗ đứng quan trọng sau nhiều năm bị lãng quên. 

Venezuela vỡ nợ

Sự kiện Venezuela vỡ nợ cho thấy tầm quan trọng của một nền kinh tế quốc gia với cơ cấu nhiều thành phần. Venezuela từng được cho có tiềm năng lớn về tăng trưởng kinh tế khi sở hữu trữ lượng dầu thô hơn 298 tỉ thùng, chiếm 18% trữ lượng dầu thô thế giới, đồng thời còn là một trong 5 quốc gia thành viên sáng lập Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Do đó, khi dầu khí đóng vai trò là ngành kinh tế chủ chốt và đóng góp tới 96% nguồn thu ngoại tệ, Venezuela đã lâm vào khủng hoảng kinh tế do giá dầu sụt giảm mạnh. Tình trạng vỡ nợ của Venezuela diễn ra không mấy bất ngờ, khi trong suốt thời gian qua. Hiện tại Venezuela chỉ còn khoảng 10 tỷ USD dự trữ ngoại hối, trong khi nước này dự kiến sẽ phải thanh toán các khoản nợ trị giá hơn 1 tỷ USD vào cuối năm nay và sau đó là gần 8 tỷ USD trong năm tiếp theo.

Đàm phán Brexit chưa có hồi kết

Quá trình đàm phán nước Anh rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit đã không thể đạt được tiến triển như kỳ vọng. Tuy nhiên, điểm tích cực là tại Hội nghị thượng đỉnh châu Âu họp ở thủ đô Brussels, Bỉ vào ngày 15/12 vừa qua, các bên đã đồng ý chuyển sang giai đoạn 2, trong đó tập trung bàn về quan hệ thương mại trong tương lai giữa nước Anh và EU. Dự kiến quá trình đàm phán tiếp theo sẽ bắt đầu vào tháng 3/2018.

 Đàm phán Brexit chưa có hồi kết.

Trong khoảng thời gian này, Anh và EU sẽ thảo luận về thời kỳ chuyển tiếp hậu Brexit kéo dài 2 năm sau thời điểm 1/4/2019 khi Anh chính thức rời EU. Trong khoảng thời gian này, nước Anh dù không còn là thành viên Liên minh châu Âu nhưng sẽ vẫn ở lại thị trường chung châu Âu và Liên minh thuế quan. Tuy nhiên, Anh sẽ phải tuân thủ mọi luật lệ của châu Âu mà lại không có quyền tham gia các cuộc họp, do vậy sẽ không thể tác động vào các quyết định của châu Âu.

Cải cách thuế lớn nhất trong 30 năm tại Mỹ

Ngày 22/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành luật cải cách thuế lớn nhất trong 30 năm trị giá 1,5 nghìn tỷ USD. Chính sách này được ông Trump hứa hẹn đưa nước Mỹ thành nơi kinh doanh tốt nhất nhưng lại tăng thêm gánh nặng ngân sách cho quốc gia này.

Về mặt toàn cầu, mức thuế mới được giảm xuống còn 21% từ 35% đã đưa Mỹ từ một trong những quốc gia có mức thuế DN cao nhất trên toàn cầu gia nhập danh sách các nước có mức thuế thấp. Các quốc gia như Australia, Pháp, Đức và Nhật Bản - tất cả đều có thuế DN ít nhất là 30% - nay sẽ chịu áp lực phải chạy theo cuộc đua giảm thuế để giành lại lợi thế cạnh tranh.