Tháng 5, CPI cả nước giảm 0,03%
Thông tin từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước, đồng thời giảm 1,24% so với tháng 12 năm trước - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016 - 2020. CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước vẫn ở mức cao nhất trong 3 năm gần đây (tăng 4,39%).
CPI tháng 5/2020 giảm một phần do Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; sự chủ động điều hành giá xăng dầu của Liên Bộ Công Thương - Tài chính; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm lãi suất điều hành.
CPI nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 2,21% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 28/4/2020 và tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 13/5/2020 làm chỉ số giá xăng, dầu giảm 4,98% (tác động làm CPI chung giảm 0,21%), bên cạnh đó, nhiều chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng của các hãng xe ô tô đưa ra nhằm giảm lượng hàng tồn kho làm giá ô tô giảm 0,25%.
Khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm vụ nghi Tenma hối lộ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, làm rõ, nếu đúng phải xử lý nghiêm, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, công bằng và chống thất thu thuế.
Trước đó,
báo chí Nhật Bản đưa tin Công ty Tenma Nhật Bản đã khai báo với các nhà chức trách Nhật về việc công ty con là Công ty TNHH Tenma Việt Nam đã 2 lần hối lộ tổng cộng 25 triệu yên (5,4 tỷ đồng) cho một số cán bộ, công chức Việt Nam.
Số tiền này được cho là "sáng kiến... đánh đổi" việc công ty này phải nộp khoản thuế giá trị gia tăng cho Nhà nước Việt Nam khoảng 400 tỷ đồng. Sự việc đang được phía Nhật Bản tích cực điều tra và các cơ quan chức năng Việt Nam cũng đang trong quá trình thanh tra, rà soát đối tượng vi phạm nêu trên.
Liên quan đến vụ việc này, đại diện thanh tra Bộ Tài chính cho biết, Bộ này đang làm tờ trình để báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.
Xăng tăng gần 1.000 đồng/lít từ chiều 28/5
Từ chiều 28/5, giá xăng RON95-III tăng 890 đồng/lít, giá bán lẻ tối đa không quá 13.125 đồng/lít; xăng E5 RON92 tăng 882 đồng/lít; giá bán lẻ tối đa không quá 12.402 đồng/lít.
Trong khi đó mặt hàng dầu được điều chỉnh tăng. Cụ thể, dầu diesel 0.05S tăng 892 đồng/lít, dầu hỏa tăng 875 đồng/lít, dầu mazut 180CST 3.5S tăng 947 đồng/kg. Giá bán lẻ mới của dầu diesel, dầu hỏa và dầu mazut lần lượt là 10.749 đồng/lít, 8.757 đồng/lít và 9.492 đồng/kg.
Tại kỳ điều chỉnh lần này, mức trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5 RON 92 ở mức 100 đồng/lít. Xăng RON 95 trích lập ở mức 400 đồng/lít; dầu diesel ở mức 1.100 đồng/lít; dầu hỏa ở mức 600 đồng/lít; dầu mazut ở mức 200 đồng/kg.
Việc tăng giá bán lẻ lần này nguyên nhân là do bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới 15 ngày qua tăng 27 - 63% so với ngày 13/5. Cụ thể, bình quân mỗi thùng RON 92 (loại xăng dùng pha chế xăng E5 RON 92) là 32,806 USD, tăng 34,34%; RON 95 là 35,612 USD một thùng, tăng 34,77%; dầu diesel cũng tăng 27,56% lên 35,794 USD một thùng...
Đề xuất giảm 30% thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ
Tại Tờ trình số 93/TTr-BTC trình Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, Bộ Tài chính: Để các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thỏa mãn điều kiện giảm thuế, Bộ Tài chính quy định cụ thể doanh nghiệp siêu nhỏ có doanh thu không quá 3 tỷ đồng năm 2020, số lao động không quá 10 người; doanh nghiệp nhỏ có doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng, số lao động không quá 100 người.
Bộ Tài chính cho biết, nếu trường hợp đề xuất trên được chấp thuận, thu ngân sách Nhà nước năm 2020 sẽ giảm gần 16.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số giảm thu do hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ sẽ được bù đắp từ các loại thuế gián thu và các nguồn thu ngân sách khác vì số tiền thuế được giảm sẽ được sử dụng cho tiêu dùng và đầu tư.
Bên cạnh đó, việc giảm thuế cho doanh nghiệp hiện tại sẽ góp phần tăng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp vào giai đoạn tiếp theo do họ có điều kiện để tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.
|
Áp dụng 0% thuế nhập khẩu linh kiện ô tô |
Áp dụng 0% thuế nhập khẩu linh kiện ô tô
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.
Cụ thể, tại thời điểm đăng ký tờ khai, người khai hải quan thực hiện kê khai, tính thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu theo mức thuế suất thuế nhập khẩu thông thường hoặc mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi hoặc mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo quy định, chưa áp dụng mức thuế suất 0%.
Việc áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện của Chương trình ưu đãi thuế CNHT ô tô thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
Đối tượng áp dụng bao gồm các doanh nghiệp sản xuất, gia công (lắp ráp) linh kiện, phụ tùng ô tô; các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tự sản xuất, gia công (lắp ráp) linh kiện, phụ tùng ô tô.
Kỳ xét ưu đãi thuế tối đa không quá 6 tháng tính từ ngày 1/1 - 30/6 hoặc từ ngày 1/7 - 31/12 hàng năm.