Sự trỗi dậy của các “kỳ lân” Việt

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo mới nhất của CB Insight - công ty của Anh chuyên phân tích kinh doanh và cơ sở dữ liệu toàn cầu cung cấp thông tin thị trường, Việt Nam hiện có 4 công ty được vào danh sách “kỳ lân” toàn cầu gồm VNPAY, VNG, MoMo và Sky Mavis.

Đây thực sự là tín hiệu vui cho các công ty công nghệ Việt Nam.

Unicorn là kỳ lân – hình ảnh chú ngựa trắng có sừng mọc trên trán, có cánh và biết bay. Trong truyền thuyết châu Âu, kỳ lân là loài vật biểu tượng cho sự quý hiếm, kiêu hãnh, mưu trí và dũng cảm. Khái niệm kỳ lân xuất hiện nhiều trong các tác phẩm hội họa, văn học, nghệ thuật. Chiếc sừng tỏa sáng, cùng bộ lông bạc là những nét đẹp huyền bí và là nguồn cảm hứng vô tận cho tất cả mọi người.

1.205 “kỳ lân” toàn cầu, Việt Nam có 4

Unicorn còn là hình ảnh được sử dụng nhiều trong khởi nghiệp, kinh doanh, kinh tế để mô tả những DN xuất sắc. Năm 2013, trong một bài phỏng vấn đăng trên TechCrunch - nữ doanh nhân mà Aileen Lee – nhà đồng sáng lập Quỹ đầu tư Cowboy Venture  đã gọi cho những công ty khởi nghiệp hay những DN tư nhân được định giá trên một tỷ USD là “kỳ lân” công nghệ.

Theo cơ sở dữ liệu CB Insights, có 1.205 công ty kỳ lân toàn cầu theo các thị trường chính đang hoạt động, với tổng trị giá 3.860 tỷ USD, được phân thành 15 danh mục kinh doanh, thuộc 4 lĩnh vực chính: Fintech; Phần mềm & dịch vụ internet; Thương mại điện tử & phân phối; Sức khỏe.

 MoMo là một trong bốn kỳ lân của Việt Nam. Ảnh Momo
 MoMo là một trong bốn kỳ lân của Việt Nam. Ảnh Momo

Trong lĩnh lực Fintech, “kỳ lân” có giá trị nhất là Stripe (trị giá 95 tỷ USD vào tháng 3/2021). Thành lập năm 2010, công ty dịch vụ phần mềm tài chính này đã có bước tiến nhanh chóng mặt. Ở lĩnh vực Phần mềm & dịch vụ Internet, Canva đang dẫn đầu với trị giá 40 tỷ USD vào tháng 9/2021). Canva cũng là công ty khởi nghiệp có giá trị nhất của Australia với tỷ suất lợi nhuận lớn.

Dẫn đầu lĩnh vực Thương mại điện tử & phân phối là Shein (trị giá 100 tỷ USD vào tháng 4/2022). Công ty cung cấp nền tảng thương mại điện tử này có trụ sở tại Trung Quốc đã chứng kiến mức định giá tăng hơn 6 lần từ tháng 8/2020 - 4/2022, nhanh chóng vươn lên dẫn đầu thị trường thời trang hàng hiệu. Ở lĩnh vực Sức khỏe, Devoted Health có giá trị nhất, đạt 12,6 tỷ USD vào tháng 10/2021. Đây là công ty chuyên cung cấp chương trình chăm sóc toàn cầu .

Đối với 5 công ty hàng đầu, “kỳ lân” ByteDance kinh doanh trí tuệ nhân tạo có giá trị lớn nhất 140 tỷ USD có trụ sở tại Trung Quốc. Vào tháng 3/2020, ByteDance kinh doanh lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang vận hành các nền tảng nội dung như TikTok và Toutiao nhận khoản đầu tư từ Tiger Global Management. Tiếp đến là nhà sản xuất hàng không vũ trụ SpaceX (trị giá 127 tỷ USD - Mỹ), công ty thương mại điện tử  Shein  (100 tỷ USD - Trung Quốc), công ty công nghệ tài chính Stripe (95 tỷ USD - Mỹ) và công cụ thiết kế trực tuyến hợp tác Canva và nền tảng thanh toán Checkout.com (40 tỷ USD - Australia).

Xu hướng phát triển

Kể từ lần phân tích cuối cùng vào tháng 7/2022, Mỹ đã nắm giữ thị phần “kỳ lân” hàng đầu của mình, chiếm hơn một nửa tổng số “kỳ lân” (54,1%). Trung Quốc, ở vị trí thứ hai (14,4%), giảm nửa điểm phần trăm trong cùng khung thời gian. Ấn Độ chiếm vị trí thứ ba với 5,9%, trong khi Vương quốc Anh là quê hương của 3,9% “kỳ lân”. Cũng kể từ tháng 7/2022, quy mô câu lạc bộ “kỳ lân” đã tăng 1,8% từ 1.170 lên con số 1.191. Tốc độ tăng trưởng này giảm đáng kể so với mức tăng 9,8% được thấy từ tháng 3 - 7/2022.

“Kỳ lân” mới trên phạm vi toàn cầu đang giảm mạnh. Các khu vực như Mỹ, châu Á và các lĩnh vực như Fintech đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng “kỳ lân”, ngoại trừ những công ty liên quan đến lĩnh vực sức khỏe vẫn có tăng trưởng. Nguyên nhân chính là do sự biến động trên thị trường đại chúng được thúc đẩy bởi môi trường vĩ mô không ổn định. Điều này đã gây áp lực giảm giá đối với các công ty có giá trị nhất, buộc việc định giá phải thu hẹp lại và khiến các nhà đầu tư tránh xa những vòng gọi vốn lớn ở giai đoạn cuối.

Hiện đã có 12.05 kỳ lân trên thế giới. Ảnh TT
Hiện đã có 12.05 kỳ lân trên thế giới. Ảnh TT

 Theo Forbes Việt Nam, đất nước hình chữ S đã có 4 “kỳ lân” là VNLIFE (2019), VNG (2014) và mới đây là MoMo (2021), Sky Mavis (2021). Với 4 “kỳ lân” công nghệ, trên bản đồ khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ ba, xếp sau Singapore và Indonesia về số lượng. Theo đánh giá, các startup cận “kỳ lân” và có triển vọng nhất đều liên quan đến hệ sinh thái thương mại điện tử, Fintech, logistics, blockchain, game… những lĩnh vực có dư địa tăng trưởng lớn trong 2 - 3 năm tới như: Tiki, Giao hàng tiết kiệm, Giao hàng nhanh, công ty khai thác ưu thế từ dữ liệu lớn và học máy Trusting Social… Dù có thể không phải tất cả nhưng một số công ty triển vọng đó có thể lớn mạnh vươn mình trở thành các “kỳ lân” tiếp theo.

Forbes Vietnam vừa điểm lại các “kỳ lân” của Việt Nam, các công ty cận “kỳ lân” và các startup triển vọng tạo ra mô hình kinh doanh độc đáo hoặc lợi thế cạnh tranh có thể tiến xa như VNG, Vatgia, Peacesoft, VCCorp, 24H, Tiki, Foody, Batdongsan.com.vn, Amanotes. Theo Allied Market Research, Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia có dịch vụ thanh toán điện tử tăng trưởng hàng đầu thế giới với tỷ lệ tăng trưởng ước khoảng 30,2% mỗi năm trong giai đoạn 2020 – 2027. Ba ví điện tử dành cho thanh toán cá nhân dẫn đầu thị trường hiện chiếm khoảng 90% thị phần là MoMo, Moca và ZaloPay.

Trong đó, hiện tại MoMo là nền tảng siêu ứng dụng số một tại Việt Nam với người dùng đông đảo nhất. Thuộc thế hệ khởi nghiệp thứ hai của Việt Nam, sau thế hệ VNG, VCCorp… các nhà sáng lập MoMo đã tìm được hướng đi tắt để trở thành “kỳ lân” Việt Nam. Với vài cú chạm người dùng có thể thực hiện hầu hết các dịch vụ thiết yếu trong đời sống như mua sắm trực tuyến (Tiki), gọi đồ ăn (Beamin), di chuyển (Gojek), xem phim (CGV), mua sắm ở cửa hàng tiện lợi (Seven Eleven) và trả hóa đơn điện nước tới mua bảo hiểm, nạp tiền điện thoại, tham gia đầu tư.

Điều này cho thấy lĩnh vực thanh toán điện tử, sàn thương mại điện tử của Việt Nam trong tương lai gần sẽ có thêm “kỳ lân” mới dù trên phạm vi toàn cầu có dấu hiệu chững lại. “Đây thực sự là những tin vui, tạo động lực tốt cho các công ty công nghệ mới chúng tôi thêm tự tin đặt chân vào lĩnh vực này” - CEO Phạm Việt Anh, Công ty CP Công nghệ KTS Vivu Minh Dương Hà Nội chia sẻ.