Sự ứng phó kịp thời

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn và áp dụng từ 1/4/2022. Đây là quyết định được dư luận đồng tình, thể hiện sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng để hỗ trợ giảm giá xăng dầu, tháo gỡ những khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Nghị quyết mới được thông qua, xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn giảm 50% so với các mức thuế hiện hành; dầu hỏa giảm 70% so với mức thuế hiện hành.

Đây là những con số rất có ý nghĩa trong thời điểm hiện nay, tạo ra những tác động tích cực để kịp thời góp phần bình ổn thị trường xăng dầu trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu khan hiếm, giá dầu thô có xu hướng tăng cao. Qua đó, góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19; bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, DN, Nhà nước.

Như người đứng đầu ngành tài chính đã lý giải khi trả lời chất vấn trước Quốc hội về vấn đề này, để có dư địa điều hành, bình ổn giá xăng dầu trong nước trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, tránh tác động bất lợi đến đời sống, sản xuất của người dân, DN, đặc biệt trong bối cảnh công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu không còn nhiều việc giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức cao đã được tính tới. Đây là giải pháp để xử lý nhanh nhất vấn đề, bởi giảm thuế bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong lúc khó khăn, quả thực đây là sự chủ động, ứng phó rất kịp thời của các cơ quan chức năng và được người dân rất đồng tình, đón nhận để hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ người dân, DN. Việc giảm thuế có làm giảm thu ngân sách nhưng chắc chắn sẽ được bù bằng nguồn thu khác từ lĩnh vực khác khi nền kinh tế đang trên đà hồi phục sau những khó khăn do dịch bệnh.

Tuy nhiên, cùng với những giải pháp trước mắt này, việc có những giải pháp tiếp theo và căn cơ hơn nữa để tiếp tục giảm giá xăng dầu cũng là vấn đề vẫn đang được đặt ra. Ngay tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng đã đề nghị, trong công tác điều hành đối với xăng dầu, Chính phủ cân nhắc khả năng điều hành giảm thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng xăng như một biện pháp bổ sung để can thiệp trong trường hợp giá dầu thô trên thị trường thế giới tiếp tục có biến động. Đồng thời, nghiên cứu khả năng giảm chu kỳ điều hành giá để cập nhật hơn với biến động của thị trường thế giới…

Nhiều chuyên gia cho rằng, dư địa cho việc giảm giá xăng dầu vẫn còn. Bởi ngoài việc phải đảm bảo nguồn cung trong nước, giảm thuế bảo vệ môi trường, vẫn còn những sắc thuế khác liên quan đến mặt hàng này có thể tính toán để giảm phù hợp, như giảm thuế tiêu thụ đặc biệt… Bởi đây là mặt hàng thông thường, nhưng lại có tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đời sống người dân.

Theo đó, việc dùng các công cụ để điều tiết mức tăng, giảm sao cho phù hợp, hợp lý để nền kinh tế không phải trả giá quá cao do tác động của giá xăng dầu là điều được DN cũng như người dân mong muốn. Đồng thời, phải tránh được việc giá xăng dầu lên, thị trường các mặt hàng khác cũng thiết lập một mặt bằng giá mới rồi, dẫn tới đời sống người dân bị ảnh hưởng không hề nhỏ.

Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, khi nhiều người bị giảm thu nhập do dịch Covid-19, sức mua giảm, đời sống khó khăn, mỗi “cú sốc giá” đều tạo ra những tác động không hề nhỏ. Bởi thế, cùng với sự chủ động, những ứng phó rất kịp thời, việc tiếp tục có động thái để giảm và ổn định giá xăng dầu hơn nữa thật sự vẫn là câu chuyện “nóng” được chờ đợi.