Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Sửa đổi Nghị định 67 - những vấn đề cần đặt ra”

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtdothi - Ngày 29/8, tại TP Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo “Sửa đổi Nghị định 67 - những vấn đề cần đặt ra” nhằm tìm ra hướng sửa đổi nghị định nhằm tạo ra những đột phá mạnh mẽ hơn giúp tàu 67 vững vàng vươn khơi.

Năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản nhằm hỗ trợ, động viên, khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển. Theo đó, Nhà nước đã dành chính sách ưu đãi đặc biệt để hỗ trợ ngư dân đóng những con tàu vỏ thép hiện đại phục vụ cho công tác đánh bắt thủy hải sản xa bờ.
 Ảnh minh họa
Sau hơn 3 năm thực hiện NĐ 67 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đã có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển đã phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 con tàu, trong đó đã đóng mới 1.510 con tàu. Tổng số tiền cam kết cho vay đóng mới tàu cá là 9.931 tỷ đồng và đã giải ngân cho vay được 9.012 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.838 tỷ đồng.

TP Đà Nẵng là một trong những địa phương ven biển thực hiện hiệu quả công tác hỗ trợ ngư dân theo Nghị định 67. Tại khu vực Cảng cá Thọ Quang mỗi năm tiếp nhận trên 19.200 lượt tàu khai thác hải sản của Đà Nẵng và các tỉnh bạn như: Bình Thuận, Khánh Hòa. Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa thiên Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh,... di chuyển đến đến ngư trường Đà Nẵng để khai thác, mua bán hải sản và sử dụng các dịch vụ hậu cần nghề cá.

Theo thiết kế thì Âu thuyền Thọ Quang neo đậu được khoảng 600 tàu trong điều kiện thời tiết bình thường và 493 tàu khi có bão. Nhưng hiện nay số lượng tàu cá về neo đậu trong Âu thuyền Thọ Quang quá nhiều so với thiết kế, trong điều kiện thời tiết bình thường có từ 500 đến 600 chiếc neo đậu, khi có bão hoặc biển động thì số tàu cá vào neo đậu ở Âu thuyền từ 800 đến 1200 chiếc, gấp 2,5 lần số lượng tàu đậu theo thiết kế, gây quá tải nên không đảm bảo an toàn cho tàu cá; dễ xảy ra tình trạng nguy hiểm như đứt phao bù, đứt neo, các tàu va đập, mắc cạn, chìm, cháy nổ…

Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, thực hiện các chính sách hỗ trợ và phát triển thủy sản của Trung ương như Nghị định 67, Quyết định 48,..., thành phố Đà Nẵng đã ban hành các văn bản giao các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện trên tinh thần công khai minh bạch. Về Nghị định số 67, đến nay Đà Nẵng đã phê duyệt cho 07 cá nhân đóng mới 07 tàu cá (05 tàu vỏ thép, 02 tàu vỏ gỗ); 02 cá nhân nâng cấp tàu cá; Từ năm 2014 đến 2016 đã có 356  lượt tàu mua bảo hiểm thân tàu, mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho 6.049 người với tổng kinh phí khoảng 12,38 tỷ đồng.

Trong quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá đồng bộ theo hướng xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ: đầu tư cảng Thọ Quang thành trung tâm nghề cá của thành phố, của khu vực và vịnh Mân Quang thành nơi trú bão cho tàu thuyền công suất lớn từ 400 – 1.000 CV. 

Đến thời điểm hiện tại, TP Đà Nẵng có khoảng 1.614 tàu cá. Trong đó, chủ yếu là thúng máy và thuyền có công suất dưới 400cv trở lên, công suất bình quân khoảng 300cv/tàu; cơ cấu tàu thuyền tương đối hợp lý, ngư trường khai thác chủ yếu là Hoàng Sa, biển miền Trung và Vịnh Bắc Bộ.

Từ năm 2012 đến nay, Đà Nẵng đã ban hành các chính sách để hỗ trợ ngư dân bám biển như: đóng mới tàu cá; Hỗ trợ ngư dân mua bảo hiểm tai nạn thuyền; Hỗ trợ vay vốn bảo quản sản phẩm... với hàng trăm tàu và gần 10.000 thuyền viên được thụ hưởng hỗ trợ, tổng số tiền trên 45 tỷ đồng. Ngư dân tích cực với công tác ra khơi, bám biển.