Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sức mạnh tên lửa ATACMS Mỹ vừa "lặng lẽ" giao cho Ukraine

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin được xác nhận hôm 17/10 sau khi hình ảnh về các quả đạn con của tên lửa ATACMS tại Ukraine bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội.

Theo nhiều quan chức Mỹ, nước này đã bí mật cung cấp tên lửa chiến thuật tầm xa (ATACMS) cho Ukraine, qua đó hỗ trợ đáng kể cho Kiev mở rộng phạm vi tấn công các mục tiêu của Nga mà trước đây vốn nằm ngoài tầm với.

Thông tin được các bên xác nhận hôm 17/10 sau khi hình ảnh về các quả đạn con của tên lửa ATACMS ở Ukraine lan truyền trên mạng xã hội.

Phiên bản đầu tiên của Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội (ATACMS) được thử nghiệm vào ngày 14/12/2021, tại New Mexico. Ảnh: CNN
Phiên bản đầu tiên của Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội (ATACMS) được thử nghiệm vào ngày 14/12/2021, tại New Mexico. Ảnh: CNN

CNN dẫn lời giới chức Mỹ hôm 17/10 rằng Ukraine đã sử dụng ATACMS - mà một số biến thể của tên lửa này có tầm bắn tối đa lên đến 300 km, để tấn công 2 sân bay Nga ở khu vực Berdyansk và Luhansk do Nga kiểm soát.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận về sự xuất hiện của hệ thống ATACMS trong bài phát biểu và bày tỏ lòng biết ơn về các thỏa thuận đang được triển khai cùng với Mỹ. 

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Adrienne Watson trong một tuyên bố hôm 17/10 đã xác nhận rằng “Mỹ gần đây đã cung cấp cho Ukraine một loại ATACMS có tầm hoạt động tới 165 km". 

Một quan chức Mỹ cho biết phiên bản tên lửa mà nước này cung cấp cho Ukraine, mang theo đạn chùm thay vì đầu đạn đơn nhất, không có trong kho dự trữ mà Lầu Năm Góc sử dụng để trực tiếp tham gia vào một cuộc chiến, do đó phủ nhận những lo ngại rằng việc chuyển tên lửa này gây cản trở sự sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ.

Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan lần đầu tiên đề cập đến yêu cầu của Ukraine về việc cung cấp tên lửa ATACMS vào giữa tháng 7, khi cuộc phản công của Kiev dường như diễn ra chậm hơn dự kiến. 

Quan chức này cho biết tên lửa đã được cung cấp “trong những ngày gần đây” và ông Biden đã ký phê duyệt việc chuyển giao chúng vào giữa tháng 9. Trong cuộc gặp với Tổng thống Zelensky tại Nhà Trắng vào ngày 21/9, ông Biden đã nói với người đồng cấp bên phía Ukraine về quyết định gửi biến thể đặc biệt của ATACMS, được gọi là APAM hoặc sát thương/phản trang bị.

Một quan chức cho biết, Mỹ quyết định gửi chúng một cách lặng lẽ vì muốn "gây bất ngờ" cho người Nga, đặc biệt là sau nhiều tháng công chúng tranh cãi gay gắt về việc liệu Biden có đồng ý gửi loại vũ khí này hay không. 

Trước đó, Mỹ từng bí mật gửi một số vũ khí. Vào tháng 8/2022, Lầu Năm Góc thừa nhận đã gửi tên lửa chống bức xạ HARM tới Ukraine mà không báo trước.

Nhưng Mỹ thường công bố các gói vũ khí quan trọng cho Ukraine, bao gồm cả việc gửi hệ thống phòng không Patriot vào năm ngoái và bom chùm trong năm nay. Trước đó Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin từng từ chối trả lời câu hỏi liên quan của báo giới.  

Các quan chức Mỹ trước đây đã miễn cưỡng gửi tên lửa đất đối đất có điều khiển tầm xa, vì lo ngại Ukraine có thể sử dụng để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, mối lo ngại đó phần lớn đã giảm bớt trong vài tháng qua, khi Ukraine cam kết sẽ chỉ sử dụng các loại vũ khí do Mỹ cung cấp ở các vùng chiến sự.

Trong chuyến thăm Washington, DC, vào tháng 9, Tổng thống Ukraine Zelensky đã nhắc lại yêu cầu của ông đối với ATACMS trong cuộc gặp với ông Biden. 

Hiện tại, tầm bắn tối đa của vũ khí Mỹ cung cấp cho Ukraine là khoảng 150km với loại bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất.