Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sụt giảm đơn hàng, May 10 tái cấu trúc để vượt khó

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khó khăn về vốn, đặc biệt đơn hàng thiếu do nhu cầu tiêu dùng giảm sút… là những vấn đề mà các DN dệt may đang phải đối diện. Trong đó dù được coi là DN đầu tàu, Tổng Công ty May 10 cũng không nằm ngoại lệ.

Do đó, bản thân May 10 cũng phải tái cấu trúc, định vị lại DN với việc áp dụng chuyển đổi số, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu xanh để đáp ứng tiêu chuẩn và phát triển. Đó là những chia sẻ của Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt với Báo Kinh tế & Đô thị một ngày cuối tháng 3 với những thực tế của DN.

Định vị lại doanh nghiệp

“Có nhiều DN thành lập mới và phát triển, nhưng cũng có DN buộc phải rút lui khỏi thị trường, gần nhất là việc ngân hàng của Mỹ buộc phá sản trong thời gian không ai ngờ tới… Việc này tưởng chừng không liên quan tới Việt Nam song thực chất lại ảnh hưởng rất sâu rộng” - ông Thân Đức Việt phân tích.

Tổng Công ty May 10 đã nỗ lực đưa ra những giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp để phát triển. Ảnh: Khắc Kiên
Tổng Công ty May 10 đã nỗ lực đưa ra những giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp để phát triển. Ảnh: Khắc Kiên

Từ góc độ May 10, vị này chỉ ra nguyên nhân, năm 2023, DN đang bị ảnh hưởng tương đối lớn của việc nhu cầu tiêu dùng giảm sút, sau dịch chưa kịp hồi phục, cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine đẩy giá năng lượng và lạm phát lên toàn cầu khiến chững lại và sụt giảm các đơn hàng xuất khẩu. Sự tái cấu trúc lại nền kinh tế, thậm chí tái cấu trúc lại xã hội, chính trị ở một số nước và May 10 cũng không nằm ngoài những yếu tố đó.

“Việc tái định vị không dùng cho những DN mới vì đã có tầm nhìn chiến lược khi thành lập, nhưng đối với May 10 dù có vị thế trên thị trường xuất khẩu và người tiêu dùng trong nước vẫn phải nhận định lại. Bởi, những vị thế đó có thể đúng trong quá khứ, đúng hoặc không đúng trong tương lai, nhưng với biến động của thị trường, May 10 đang tập trung vào định vị về sản phẩm, thị trường và về quản trị, công nghệ, mô hình sản xuất để có phù hợp trong hoạt động” - doanh nhân này thông tin.

Vị này cho biết thêm, DN có 2 thị trường lớn là xuất khẩu và trong nước. May 10 cũng định vị lại thị trường trong nước. Tương tự với thị trường xuất khẩu, ngoài những thị trường truyền thống, những thị trường mới, tiềm năng sẽ được tập trung.

“Về truyển thống May 10 có Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, còn thị trường mới, Việt Nam đã có 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết nên được mở rộng rất nhiều, như Nam Phi, châu Phi, Trung Đông, Trung Quốc, đều là những thị trường rất lớn trong tương lai” - doanh nhân này nói.

Hướng tới sản xuất sạch

Nhấn mạnh việc định vị công nghệ và sản xuất, ông Thân Đức Việt cho rằng, hiện thế giới yêu cầu rất lớn và Việt Nam đã cam kết tại COP26 về giảm phát thải CO2, trong khi May 10 là đơn vị sản xuất buộc phải sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch và sử dụng sản phẩm từ nguồn nguyên liệu hóa thạch (vải xơ sợi tổng hợp từ hóa dầu, hay than đốt cũng là hóa thạch), đảm bảo các tiêu chí về sản xuất xanh.

Có tới hơn 100 cuộc đánh giá của khách hàng đối với nhà máy và lao động của May 10, nếu DN không đạt tiêu chuẩn sẽ không có đơn hàng xuất khẩu.

May 10 xác định sẽ là một nhà sản xuất xanh (dùng năng lượng và nhiên liệu, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc xanh), như sản phẩm từ hữu cơ hay sợi tái chế, đặc biệt là sử dụng nhà máy xanh, tập trung rất nhiều tỷ trọng tăng trưởng về sử dụng sản phẩm mang tính xanh và tăng theo năm, dù tỷ lệ còn nhỏ nhưng đây sẽ là xu thế trong tương lai.

Việc sử dụng năng lượng tái tạo, tự nhiên đã và đang được May 10 chuyển dần từ các lò đốt than sang những lò đốt nguyên sinh khối, tiến tới đốt bằng điện và gas.

Ngoài ra, DN cũng tăng cường sử dụng điện áp mái mặt trời, hợp tác với tập đoàn năng lượng lớn để giảm chi phí đầu tư. Hiện May 10 có 2 dự án ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa và tới đây triển khai tại Hà Quảng, Cao Bằng về điện năng lượng mặt trời.

Tuy nhiên, những việc này liên quan rất lớn đến chi phí đầu tư của DN, vì vậy cần có lộ trình thực hiện chuyển đổi xanh.

Liên quan lĩnh vực này, ông Thân Đức Việt cho rằng, bất kể DN nào cũng cần nguồn vốn để hoạt động, khi Chính phủ có tín hiệu rất quyết liệt trong việc giảm lãi suất, thậm chí việc áp đặt lãi suất huy động không được quá 9,5% và yêu cầu cho vay bắt buộc phải giảm từ 0,5 - 1%...

Đây là tín hiệu rất mừng cho các DN, là sự hy sinh, “liều thuốc” rất kịp thời để cho các DN đang trong bối cảnh có rất nhiều vấn đề, không chỉ là vấn đề nguồn vốn, mà cả vấn đề thị trường, nguồn hàng, tạo việc làm cho người lao động… đang gặp khó khăn.

 

Tôi cho rằng với việc điều chỉnh lãi suất này là quyết định rất kịp thời để các DN có thêm nguồn vốn để duy trì hoạt động trong bối cảnh hiện nay. Tôi đánh giá những khó khăn này chỉ trong ngắn hạn và hy vọng đầu quý III/2023 các đơn hàng của May 10 sẽ được phục hồi.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt