Tác dụng và lợi dụng

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Lần đầu tiên trong lịch sử LHQ, quyền phủ quyết của 5 thành viên thường trực HĐBA LHQ bị động chạm.

Nghị quyết vừa được Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐLHQ) thông qua buộc 5 uỷ viên thường trực HĐ 5  BALHQ phải giải trình mỗi khi sử dụng quyền phủ quyết tuy không làm suy suyển gì đặc quyền đặc lợi của 5 thành viên kia nhưng vẫn có ý nghĩa tích cực nhất định.

Lần đầu tiên trong lịch sử LHQ, quyền phủ quyết của 5 thành viên thường trực HĐBA LHQ bị động chạm. Trong tiến trình cải tổ LHQ vốn đã được khởi động từ lâu nhưng cho tới nay vẫn rất trì trệ, việc quy định lại quyền phủ quyết của các thành viên này, mở rộng HĐBALHQ và cấu trúc lại tương quan quyền lực trong HĐBA LHQ là những trở lại lớn nhất và khó vượt qua nhất đối với LHQ. Cho nên trong chừng mực nhất định, việc ĐHĐ LHQ buộc 5 thành viên thường trực HĐBA LHQ từ nay phải giải trình về việc họ sử dụng quyền phủ quyết là bước chuyển có ý nghĩa và tác dụng tích cực.

Uy tín và mức độ đáng được tin cậy của 5 thành viên đặc biệt kia trong LHQ và trên thế giới phụ thuộc ở mức độ không nhỏ vào việc họ giải thích như thế nào về quyết định sử dụng quyền phủ quyết trong HĐBA LHQ. Giải trình tại ĐHĐLHQ về việc đã sử dụng quyền phủ quyết trong HĐBA LHQ khác biệt cơ bản với chỉ có tuyên bố hay phát biểu nào đấy sau khi sử dụng quyền phủ quyết.

Tuy nhiên, Nghị quyết này rất dễ bị lợi dụng để đẩy các thành viên thường trực HĐBA LHQ vào tình thế khó xử. Nếu có ai đó chủ ý đưa ra dự thảo nghị quyết trong HĐBALHQ mà từ trước đó đã biết chắc chắn rằng sẽ có một hay một vài trong số 5 thành viên thường trực HĐBA LHQ sẽ phủ quyết thì đấy chẳng khác gì động tác gài bẫy chính trị làm tổn hại uy danh và thể diện của thành viên khác. Khi ấy, cuộc đối địch trong HĐBALHQ được chủ ý mở rộng sang cả diễn đàn ĐHĐLHQ. Cho nên, việc thực hiện cụ thể nghị quyết mới nói trên của ĐHĐLHQ không dễ dàng có được hiệu quả thiết thực như kỳ vọng của các thành viên LHQ đã thông qua nghị quyết.