Tách sổ đỏ, hàng xóm không ký giáp ranh, phải làm sao?

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Câu hỏi

Xin hỏi luật sư, tôi đang làm thủ tục tách Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của bố mẹ tặng cho, tuy nhiên nhà hàng xóm không ký giáp ranh, giờ phải làm thế nào? 

Trả lời

Trên thực tế có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc hàng xóm không ký giáp ranh, như: mâu thuẫn cá nhân, tranh chấp đất đai… Thông tin của bạn chưa rõ ràng, nên luật sư đưa các quy định chung để bạn đối chiếu.

Theo Luật Đất đai, việc tách thửa đất chỉ có thể được thực hiện khi thỏa mãn các điều kiện của địa phương (UBND cấp tỉnh quy định, ban hành) về diện tích tối thiểu, chiều rộng mặt tiền, hình thể thửa đất. Do vậy, bạn cần tìm hiểu tại địa phương nơi có đất xem có đáp ứng, đủ điều kiện được tách thửa hay không.

Về điều kiện tách thửa

Luật Đất Đai 2013 tại Điều 188. Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất:

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

a) Có sổ đỏ, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

b) Đất không có tranh chấp;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất.

2. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật này.

3. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.

Căn cứ theo Điều 29 Nghị Định 43/NĐ-CP về cấp sổ đỏ đối với trường hợp thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu:

1. Thửa đất đang sử dụng được hình thành từ trước ngày văn bản quy định của UBND cấp tỉnh về diện tích tối thiểu được tách thửa có hiệu lực thi hành mà diện tích thửa đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của UBND cấp tỉnh nhưng có đủ điều kiện cấp sổ đỏ thì người đang sử dụng đất được cấp sổ đỏ.

2. Không được công chứng, chứng thực, cấp sổ đỏ và không được làm thủ tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất đối với trường hợp tự chia tách thửa đất đã đăng ký, đã được cấp sổ đỏ thành hai hoặc nhiều thửa đất mà trong đó có ít nhất một thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của UBND cấp tỉnh.

3. Trường hợp người sử dụng đất xin tách thửa đất thành thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu đồng thời với việc xin được hợp thửa đất đó với thửa đất khác liền kề để tạo thành thửa đất mới có diện tích bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu được tách thửa thì được phép tách thửa đồng thời với việc hợp thửa và cấp sổ đỏ cho thửa đất mới.

Căn cứ quy định trên, một trong các điều kiện cần đáp ứng quy định về đất không tranh chấp, vì vậy bạn đối chiếu để thực hiện. 

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An

Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn