Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tại chung cư Watermark 395 Lạc Long Quân: Nhà sinh hoạt cộng đồng biến thành nhà ở

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được quy hoạch làm nhà sinh hoạt cộng đồng, nhưng chủ đầu tư (Công ty CP Phát triển Bất động sản Tây Hồ Tây) đã tiến hành giao dịch, chuyển mục đích nhà sinh hoạt cộng đồng thành nhà ở… gây bức xúc trong dư luận, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Nhiều sai phạm
Vừa qua, báo Kinh tế & Đô thị nhận được phản ánh của một số cư dân tại chung cư Watermark 395 Lạc Long Quân (quận Cầu Giấy) về những vi phạm trong công tác PCCC tại tòa nhà này.
Theo cư dân, tòa nhà được xây dựng với quy mô 2 tầng hầm và 19 tầng nổi… Khi mới hoàn thành, tòa nhà được quảng cáo, kỳ vọng là một những điểm sống lý tưởng bậc nhất của Hà Nội.
Theo phản ánh của người dân, hiện khu vực được thiết kế là nhà sinh hoạt cộng đồng đã biến thành nhà ở.
Tuy nhiên, hàng loạt vi phạm liên quan đến công tác PCCC khiến những cư dân ở đây không khỏi hoang mang, lo lắng. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, một số cư dân cho biết, trước những bất an trong công tác PCCC tại tòa nhà, họ đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan chức năng xem xét giải quyết theo quy định. Tiếp nhận phản ánh, Đội Cảnh sát PCCC&CHCN, Công an quận Cầu Giấy đã tiến hành kiểm tra và phát hiện nhiều vi phạm tồn tại tại tòa nhà này…
“Những vi phạm này hoàn toàn vượt xa với sự tưởng tượng của chúng tôi, khác xa với những gì chủ đầu tư đã thông báo” - một cư dân bức xúc.
Cụ thể, theo kết luận của Đội Cảnh sát PCCC&CHCN, Công an quận Cầu Giấy tại buổi kiểm tra ngày 15/4/2021, tại tầng 19 tốp B hiện là sở hữu của Công ty CP ABC Toàn Cầu so với bản vẽ thẩm duyệt về PCCC là phòng sinh hoạt cộng đồng, nhưng hiện tại đơn vị đang sử dụng làm nhà ở.
Bên cạnh đó, trên sân thượng (tầng 19, tốp A) hiện bố trí nhiều cây cảnh làm cản trở đường, lối thoát nạn và vị trí tập kết thoát nạn khi có sự cố xảy ra… Đặc biệt, Ban Quản trị chưa xuất trình được bản vẽ hoàn công, nghiệm thu các hạng mục về PCCC theo quy định của chủ đầu tư xây dựng tòa nhà.
Trong khi đó, khu vực nhà sinh hoạt cộng đồng mới lại không được phép hoạt động do vi phạm các quy định về PCCC do xây dựng sai phép.
Theo thiết kế ban đầu, tại tầng 19 góc Tây Bắc (tốp B) là nhà sinh hoạt cộng đồng với diện tích gần 150m2, phía góc Tây Nam (tốp A) là những cột trụ bê tông. Song, không hiểu vì lý do gì chủ đầu tư dự án đã chuyển nhượng nhà sinh hoạt cộng đồng cho Công ty CP ABC Toàn Cầu sử dụng làm nhà ở.
Thậm chí, để hợp thức hóa vi phạm, khu vực tầng 19 góc Tây Nam nơi vốn là những trụ bê tông đã được lắp đặt thành nhà sinh hoạt cộng đồng… Tuy nhiên, do không được các cơ quan chức năng phê duyệt nên khu vực này đã bị yêu cầu dừng hoạt động vì không đáp ứng các yêu cầu về PCCC (?).
Chủ đầu tư né trách nhiệm
Liên quan đến phản ánh của cư dân về việc biến nhà sinh hoạt cộng đồng làm nhà ở, chị T. - gia đình cũng đang đau đầu, phiền toái về chuyện này vì ngày càng nhiều thông tin thất thiệt và thái độ của một số hộ dân đối với gia đình. Theo lý giải của chị T., việc gia đình sử dụng và sinh sống tại tầng 19 tốp B từ năm 2018 đến nay căn cứ trên Hợp đồng mua bán, hóa đơn, biên bản bàn giao và các giấy tờ thông thường khác với chủ đầu tư như tất cả hộ cư dân khác tại tòa nhà Watermark.
 Chủ căn hộ tầng 19 tốp B cho biết, đến thời điểm này, căn hộ thuộc quyền sở hữu hợp pháp của gia đình.
"Căn cứ theo Thỏa thuận Dân sự về việc chuyển giao quyền sở hữu, quyền pháp lý, quyền sử dụng và quyền khai thác đối với một số hạng mục công trình thuộc dự án Chung cư Watermark ngày 28/12/2017, đặc biệt là Hợp đồng mua bán căn hộ chung cư số WM/SPA/TOP19B/001 ngày 24/1/2018... gia đình chúng tôi có toàn quyền sử dụng căn hộ tầng 19 tốp B và sân thượng tương ứng" - chị T. cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cho biết, Điều 12 Luật Xây dựng nghiêm cấm sử dụng công trình không đúng với mục đích, công năng sử dụng; xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung.
Do đó, nếu chủ đầu tư có hành vi xây dựng cơi nới diện tích sử dụng chung hoặc tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung của tòa nhà chung cư thì đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động về đầu tư xây dựng…
 Theo các chuyên gia, để xảy ra tình trạng trên trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư.

Trao đổi với phóng viên về những vấn đề này, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy Lê Minh Hải cho biết, với vai trò quản lý Nhà nước, phòng đã yêu cầu chủ đầu tư, ban quản trị cung cấp tất cả hồ sơ, tài liệu có liên quan đến vấn đề này. Thậm chí, tổ chức nhiều cuộc họp mời các bên có liên quan, trong đó có chủ đầu tư nhằm giải quyết vấn đề nhưng chủ đầu tư không đến, không có phản hồi.
“Trong thời gian tới, Phòng Quản lý đô thị sẽ tiếp tục có văn bản đề nghị các đơn vị liên quan cung cấp hồ sơ, tài liệu theo quy định… Nếu chủ đầu tư vẫn né tránh, phòng sẽ có báo cáo trình UBND quận xem xét xử lý theo quy định” - ông Lê Minh Hải cho biết.
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục phản ánh thông tin vụ việc.