Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tại Liên hợp quốc, Mỹ-Trung-Nga tranh cãi "nảy lửa" về vấn đề Triều Tiên

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong vài năm gần đây, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bị chia rẽ về cách phản ứng với Bình Nhưỡng.

Vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên vào hôm  (Ảnh minh họa: KCNA).
Vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên vào hôm  (Ảnh minh họa: KCNA).

Reuters đưa tin, trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) ngày 20/3, Mỹ, Trung Quốc và Nga bất đồng về lý do Triều Tiên thử hàng chục tên lửa từ năm ngoái tới nay.

Hội đồng gồm 15 thành viên đã nhóm họp sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-17 lớn nhất trong kho vũ khí nước này hồi tuần trước. Triều Tiên đang bị áp lệnh trừng phạt của LHQ vì các chương trình tên lửa và hạt nhân kể từ năm 2006.

Trung Quốc và Nga cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung khiến Triều Tiên phóng tên lửa dồn dập trong thời gian qua. Trong khi đó, Washington cáo buộc Bắc Kinh và Moscow "khuyến khích Triều Tiên" thử tên lửa khi giúp Bình Nhưỡng “né” các lệnh trừng phạt.

Một quan chức cấp cao của LHQ tại cuộc họp trên cho biết Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres "bày tỏ quan ngại sâu sắc về những chia rẽ đã ngăn cản cộng đồng quốc tế hành động về vấn đề này".

Phó Đại sứ Nga tại LHQ Anna Evstigneeva nói rằng hoạt động tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc là "chưa từng có tiền lệ". Phó Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Cảnh Sảng thắc mắc liệu các cuộc tập trận trên có mục đích phòng thủ hay không và cáo buộc hoạt động này làm gia tăng căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết: "Những cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn đã có từ lâu và là hoạt động thường lệ. Về bản chất, các hoạt động diễn tập quân sự này hoàn toàn mang tính chất phòng thủ. Mỹ không có ý định thù địch với Triều Tiên".

Trong vài năm qua, Hội đồng Bảo an LHQ đã bị chia rẽ về cách đối phó với Bình Nhưỡng. Nga và Trung Quốc cho rằng việc gia tăng các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên sẽ không mang lại lợi ích nào và kêu gọi nới lỏng.

Tuy nhiên, Đại sứ Mỹ Thomas-Greenfield tuyên bố, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của LHQ  sẽ giống như trao thưởng cho Triều Tiên “vì đã không làm gì để tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an".

Ngoài ra, Nga và Trung Quốc một lần nữa nêu lên những lo ngại hạt nhân từ Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh ba bên AUKUS (Anh, Australia, Mỹ). Theo đó, Australia sẽ phát triển chương trình tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cùng với Mỹ và Anh.

Washington và London đều bác bỏ những lo ngại nói trên và tuyên bố AUKUS không vi phạm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Phó Đại sứ Anh tại LHQ James Kariuki nhấn mạnh: "Các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Vì vậy, điều này không thể so sánh với AUKUS".

Trong một diễn biến liên quan, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 20/3 kêu gọi nước này sẵn sàng tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân bất cứ lúc nào để ngăn chặn chiến tranh.

Triều Tiên hôm 19/3 đã tiến hành vụ phóng tên lửa thứ 4 chỉ trong vòng 1 tuần nhằm phản ứng trước cuộc tập trận chung lớn nhất trong nhiều năm của Mỹ và Hàn Quốc. Cuộc tập trận nhằm gửi cảnh báo mạnh mẽ đối với Mỹ và Hàn Quốc.

Theo KCNA, trong cuộc tập trận ngày 19/3, một tên lửa đạn đạo được trang bị đầu đạn hạt nhân giả đã bay với khoảng cách 800 km trước khi đánh trúng mục tiêu ở độ cao 800 m theo kịch bản tấn công hạt nhân chiến thuật.

Triều Tiên phản ứng dữ dội trước cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Hàn, gọi đây là cuộc diễn tập chống lại nước này. Mỹ và Hàn Quốc đang tổ chức cuộc tập trận mang tên "Lá Chắn Tự do"  (Freedom Shield- FS ), ​​diễn ra từ 13-23/3.

Triều Tiên đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân kể từ năm 2006. Vụ thử hạt nhân gần đây nhất của nước này là vào năm 2017. Trong những năm gần đây, Triều Tiên liên tục phóng thử tên lửa đạn đạo và tên lửa liên lục địa, chỉ riêng năm ngoái nước này phóng hơn 60 tên lửa.